Ngân sách đang trong tình trạng “giật gấu vá vai”

02/11/2013 14:21 PM

Phân bổ ngân sách theo kiểu xin cho, không rạch ròi; vung tay quá trán trong chi tiêu; thất thoát trong xây dựng cơ bản là ba trong số năm nguyên khiến tình hình ngân sách căng thẳng mà đại biểu Trần Du Lịch nêu lên trong buổi thảo luận tại hội trường sáng 2-11.

Sáng 2-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014. Sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.

Đại biểu quốc hội Trần Du Lịch: "Sau năm 2015, chúng ta phải dùng 1/3 ngân sách để trả nợ- không an toàn nữa. Đề nghị Nhà nước cần rạch ròi trong việc xác định đâu là hoạt động chi đầu tư" - Ảnh: Việt Dũng 

Sông rộng 70m, xây cầu 450m

Nhận xét tình hình ngân sách đất nước đang trong tình trạng “giật gấu vá vai”, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) phân tích 5 nguyên nhân chính, trong đó có 2 nguyên nhân tích cực và 3 nguyên nhân tiêu cực dẫn đến thực trạng này: Thứ nhất, do nỗ lực của ta để đầu tư làm nhanh các công trình nâng cao kết cấu hạ tầng. Thứ hai là chính sách xã hội để giảm phân hóa giàu nghèo. Hai nguyên nhân này cũng khiến tiêu tốn tiền của ngân sách nhưng là nguyên nhân tích cực.

Còn ba nguyên nhân tiêu cực là: Thể chế phân bổ ngân sách theo kiểu xin cho- không rạch ròi; Tình trạng vung tay quá trán trong chi tiêu, trong đó có nguyên nhân bộ máy đẻ ra quá nhiều ghế ở các nơi, bộ máy phình ra khiến không ngân sách nào chịu nổi; tình trạng thất thoát trong xây dựng cơ bản.

“Riêng chuyện thất thoát trong xây dựng cơ bản, tôi hoan nghênh Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng. Vừa qua, mới chỉ có 4 dự án được xem xét lại đã giảm được trên 15.000 tỷ đồng cho ngân sách. Có những cây cầu cũ người ta đang đi bình thường, con sông rộng 70m mà làm cầu mới dài 450m không biết để làm gì”- ông Trần Du Lịch bức xúc dẫn chứng.

Theo ông Trần Du Lịch, sau năm 2015, chúng ta phải dùng 1/3 ngân sách để trả nợ- không an toàn nữa. Ông đề nghị nhà nước cần rạch ròi trong việc xác định đâu là hoạt động chi đầu tư. “Chi xây trụ sở đẹp, mua sắm trang thiết bị, chi mua sắm xe cộ là chi tiêu dùng chứ không phải chi đầu tư”- ông Lịch nói.

Đừng để tiền trái phiếu đổ sông đổ biển

Đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) nêu yêu cầu về phương án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ: “Từ nay đến hết kỳ họp còn 1 tháng, đề nghị Chính phủ báo cáo chi tiết từng dự án trong số mấy trăm dự án đang đề nghị tiếp tục rót vốn từ trái phiếu chính phủ. Nếu không có báo cáo cụ thể thì Quốc hội sẽ khó thông qua”.

Riêng con số 6.600 tỷ đồng bổ sung cho dự án luồng tàu biển vào sông Hậu, ông Học nhấn mạnh: “Nếu không rà soát lại thiết kế kỹ thuật và các số liệu thì sẽ không biết vì sao kinh phí lại tăng lên gấp 3 lần. Cái này không làm rõ sẽ dẫn nguy cơ tiền trái phiếu đổ xuống sông xuống biển”.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đồng tình với phương án nâng mức bội chi và phát hành thêm trái phiếu chính phủ nhưng rất lo lắng: Tới đây, trong thời gian rất ngắn, chúng ta chi một lượng tiền rất nhiều, đây là một nhiệm vụ rất nặng nề. Đây không phải chỉ riêng trách nhiệm của Chính phủ mà của cả bộ máy. Chi thế nào phải tính cho kỹ, phải giải quyết những mục tiêu ưu tiên theo lộ trình phát hành trái phiếu. Đồng tiền chi ra phải giải quyết được ngay những bức xúc của nhân dân, của đất nước.

Hầu hết các đại biểu đều đánh giá chương trình mục tiêu Quốc gia còn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Đại biểu Hà Sơn Nhin (Gia Lai) nói: “Chương trình mục tiêu quốc gia quá dàn trải, quá nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan tổ chức thực hiện. Nhiều địa phương muốn gom các chương trình vào thực hiện chung thì không thể vì vướng cơ chế quản lý. Riêng chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa nhưng tổ chức thực hiện lại thiếu đồng bộ". Đại biểu Nhin đề nghị thu hẹp các chương trình mục tiêu quốc gia, chỉ để lại những chương trình lớn.

Phải sử dụng hiệu quả đồng tiền của dân

Giải trình tại phiên thảo luận, bộ trưởng Bộ kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: về chương trình mục tiêu quốc gia, các kỳ họp trước đã bàn nhiều về hiệu quả. Tôi với tư cách là bộ trưởng Bộ kế hoạch - đầu tư rất đồng tình với nhận xét của các đại biểu trong kỳ họp. Ông Vinh cũng thừa nhận dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng căn bản nhiều chương trình không hiệu quả, trong đó có nguyên nhân do nguồn lực ta không bố trí đủ hoặc bố trí phân tán.

“Bây giờ cắt ngay 16 chương trình thì không được vì nghị quyết quốc hội đã ban hành, đã bố trí vốn rồi. Tuy nhiên, 2014 sẽ giảm tổng mức bố trí: vì ta đang khó khăn và thực tế cũng cần thiết phải như vậy. "Mặt khác, không cho khởi công dự án mới mà chỉ bố trí tiếp tục các dự án đang làm”- ông Vinh nhấn mạnh.

Ngoài ra, sau năm 2015, lồng ghép tất cả chương trình vào 2 chương trình chính là xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo. Mặt khác, sẽ thay đổi cơ bản về cơ chế quản lý để giao quyền chủ động nhiều hơn cho các địa phương.

Về trái phiếu chính phủ, bộ trưởng Bộ kế hoạch - đầu tư khẳng định: Chúng ta không có mục đích nào khác là sử dụng hiệu quả đồng tiền của nhân dân. 170.000 ngàn tỷ đồng trái phiếu ưu tiên cho quốc lộ 1 và quốc lộ 14 thì đã có danh mục chi tiết cho từng gói thầu.

Còn lại là các dự án nằm trong tình trạng đầu tư dở dang. Chính phủ đang giao Bộ kế hoạch - đầu tư trình các danh mục. Tuy nhiên, không có danh mục nào nằm ngoài danh mục mà Quốc hội đã phê chuẩn vào năm 2011. "Chúng tôi nắm trong tay từng dự án- không có danh mục nào mới, dự án nào mới nhảy vào đây cả - chỉ là những danh mục dự án dở dang mà thôi”-  ông Bùi Quang Vinh nói.

Mai Hương

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,554

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079