Đề xuất người tham gia chữa cháy bị chết có thể được xem xét công nhận liệt sĩ (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Đây là nội dung được đề cập tại dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến.
Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ |
Cụ thể, các chế độ, chính sách đối với người tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ sẽ được đề xuất tại dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ như sau:
- Người tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ; trường hợp bị ốm, tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ chi phí thanh toán khám chữa bệnh; trường hợp bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng chế độ tiền tuất, tiền mai táng phí.
- Người bị thương, chết khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thì được xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật.
Hiện hành tại Điều 10 Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013) quy định: “Người tham gia chữa cháy được hưởng chế độ bồi dưỡng về vật chất; trường hợp bị chết, bị thương, bị tổn hại sức khỏe, bị tổn thất về tài sản thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.”
Như vậy so với hiện hành thì dự thảo Luật đã đưa ra cụ thể các chế độ, chính sách dành cho người tham gia chữa cháy sẽ được hưởng nếu bị chết như: thân nhân được hưởng chế độ tiền tuất, tiền mai táng phí hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020, người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận là liệt sỹ khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(1) Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;
(2) Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng;
(3) Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;
(4) Hoạt động hoặc tham gia hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh;
(5) Làm nghĩa vụ quốc tế;
(6) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh;
(7) Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm;
(8) Do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục do Chính phủ quy định;
(9) Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm;
(10) Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan tỏa rộng rãi trong xã hội;
(11) Do vết thương tái phát là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 23 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020 có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, có bệnh án điều trị vết thương tái phát của bệnh viện tuyến huyện trở lên và biên bản kiểm thảo tử vong;
(12) Mất tích trong trường hợp quy định tại (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (9), (10) và được cơ quan có thẩm quyền kết luận không phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ.