Khi nào miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo đó, trừ trường hợp đương nhiên mất tư cách quy định tại Điều 45 Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị; Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng thành viên; Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát; Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng bị miễn nhiệm, bãi nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(1) Miễn nhiệm khi có đơn xin từ chức gửi Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng;
(2) Bãi nhiệm khi không tham gia hoạt động của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;
(3) Bãi nhiệm khi không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 41 Luật Các tổ chức tín dụng 2024;
(4) Bãi nhiệm khi thành viên độc lập Hội đồng quản trị không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 41 và khoản 3 Điều 43 Luật Các tổ chức tín dụng 2024;
(5) Trường hợp miễn nhiệm, bãi nhiệm khác theo Điều lệ của tổ chức tín dụng.
Lưu ý:
- Sau khi bị miễn nhiệm, bãi nhiệm, Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng quản trị; Chủ tịch, thành viên khác của Hội đồng thành viên; Trưởng ban, thành viên khác của Ban kiểm soát; Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng vẫn phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong thời gian đương nhiệm.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thông qua quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với các nhân sự theo quy định, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng phải có văn bản kèm tài liệu liên quan báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
(Điều 46 Luật Các tổ chức tín dụng 2024)
Những trường hợp đương nhiên mất tư cách thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng gồm: - Thuộc một trong các trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ quy định tại Điều 42 Luật Các tổ chức tín dụng 2024; - Là người đại diện phần vốn góp của một tổ chức là cổ đông hoặc thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng khi tổ chức đó bị chấm dứt tồn tại; - Không còn là người đại diện phần vốn góp theo ủy quyền của cổ đông, thành viên góp vốn là tổ chức; - Bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; - Khi tổ chức tín dụng đó bị thu hồi Giấy phép; - Khi hợp đồng thuê Tổng giám đốc (Giám đốc) hết hiệu lực; - Không còn là thành viên của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân đó; - Chết. (Khoản 1 Điều 45 Luật Các tổ chức tín dụng 2024) |
Cụ thể, người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng được quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng và phải là một trong những người sau đây:
- Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng;
- Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng.
Lưu ý: Người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng phải cư trú tại Việt Nam, trường hợp vắng mặt ở Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác là người quản lý, người điều hành tổ chức tín dụng đang cư trú tại Việt Nam để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng.
Như vậy, Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024.
(Khoản 1, 2 Điều 11 Luật Các tổ chức tín dụng 2024)