Đề xuất các trường hợp không được đăng ký dự tuyển nhà giáo

21/05/2024 23:00 PM

Xin cho tôi hỏi các trường hợp không được đăng ký dự tuyển nhà giáo theo đề xuất mới như thế nào? - Tú Vy (Bình Phước)

Đề xuất các trường hợp không được đăng ký dự tuyển nhà giáo

Đề xuất các trường hợp không được đăng ký dự tuyển nhà giáo (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Mới đây, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa công bố dự thảo Luật Nhà giáo (Dự thảo 2).

dự thảo Luật Nhà giáo (Dự thảo 2)​

Đề xuất các trường hợp không được đăng ký dự tuyển nhà giáo

Căn cứ khoản 2 Điều 20 dự thảo Luật Nhà giáo, những người không được đăng ký dự tuyển bao gồm:

- Người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của tòa án, đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;

- Người đã có tiền án, tiền sự hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Lưu ý: Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng được quy định bổ sung những trường hợp không được đăng ký dự tuyển (nếu có) nhưng không trái với các quy định của Luật này.

Đề xuất điều kiện đăng ký dự tuyển nhà giáo

Theo khoản 1 Điều 20 dự thảo Luật Nhà giáo, người có đủ các điều kiện sau đây được đăng ký dự tuyển nhà giáo:

- Có đơn đăng ký dự tuyển;

- Có lý lịch rõ ràng;

- Đáp ứng yêu cầu của chuẩn nhà giáo;

- Đáp ứng các điều kiện đặc thù theo yêu cầu của vị trí việc làm nhưng không được trái các nguyên tắc sau:

+ Bảo đảm công khai, công bằng, khách quan và đúng quy định của pháp luật. Không phân biệt dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo.

+ Bảo đảm tính cạnh tranh.

+ Tuyển chọn đúng người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm, chuẩn nhà giáo, chức danh nhà giáo.

+ Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.

+ Ưu tiên người có tài năng, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người tình nguyện làm việc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ và các đối tượng chính sách khác.

Đề xuất quy định hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo

- Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo là hoạt động đặc biệt, có sản phẩm là nhân cách người học; có tính chuyên nghiệp trong việc dạy học, tổ chức, hướng dẫn, tư vấn việc tìm kiếm tri thức, sản sinh tri thức, rèn luyện phẩm chất và năng lực người học; đòi hỏi tính gương mẫu, tự giác, linh hoạt và sáng tạo cao.

- Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo thực hiện theo năm học hoặc khóa học bao gồm các hoạt động trước, trong và sau thời gian lên lớp; các hoạt động học tập, bồi dưỡng bắt buộc; nghiên cứu khoa học; các hoạt động chuyên môn, hành chính; phục vụ cộng đồng và các hoạt động khác.

- Hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo:

+ Hoạt động nghề nghiệp của giáo viên mầm non là nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non, giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, khơi dậy và phát huy tối đa tiềm năng của mỗi trẻ, hình thành nền móng ban đầu của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp một;

+ Hoạt động nghề nghiệp của giáo viên tiểu học là giáo dục, giảng dạy một hoặc một số môn học trong cơ sở giáo dục tiểu học, hướng tới phát triển toàn diện đối với học sinh tiểu học, giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị bản thân, gia đình, cộng đồng và những thói quen, nền nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt;

+ Hoạt động nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở là giáo dục, giảng dạy một hoặc một số môn học trong cơ sở giáo dục trung học cơ sở để giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp trung học cơ sở, tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh tri thức và kĩ năng nền tảng, có những hiểu biết ban đầu về các ngành nghề và có ý thức hướng nghiệp để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động;

+ Hoạt động nghề nghiệp của giáo viên trung học phổ thông là giáo dục, giảng dạy một hoặc một số môn học trong cơ sở giáo dục trung học phổ thông giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động, khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới;

+ Hoạt động nghề nghiệp của giáo viên dự bị đại học là giảng dạy, giáo dục theo chương trình dự bị đại học giúp học sinh dân tộc củng cố kiến thức trung học phổ thông và có năng lực học lên các cấp học cao hơn;

+ Hoạt động nghề nghiệp của giáo viên giáo dục thường xuyên là giảng dạy, giáo dục theo các kế hoạch giáo dục linh hoạt trong cơ sở giáo dục thường xuyên, giúp người học đạt được các trình độ của hệ thống trình độ quốc dân hoặc các chương trình giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu trong cuộc sống của người học, góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời;

+ Hoạt động nghề nghiệp của giáo viên và giảng viên giáo dục nghề nghiệp là đào tạo người học theo chương trình giáo dục nghề nghiệp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo nhân lực có kiến thức, kĩ năng và trách nhiệm nghề nghiệp;

+ Hoạt động nghề nghiệp giảng viên đại học là giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực người học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học.

(Điều 8 dự thảo Luật Nhà giáo)

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 549

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079