Tài sản bất minh phải thu hồi

25/02/2014 13:39 PM

Đó là quan điểm của Thanh tra Chính phủ (TTCP) trong đề án vừa trình Thủ tướng về “Cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn” sau thời gian lấy ý kiến của các Bộ, ngành và nhân dân.

Theo đề án này, từ năm 2014, toàn bộ các khoản thu nhập từ lương, thưởng, chuyển nhượng vốn, chứng khoán, bất động sản, trúng xổ số sẽ được Nhà nước kiểm soát. Tài sản bất minh không giải trình được nguồn gốc có thể sẽ bị thu hồi.

Tội “làm giàu bất hợp pháp”

Đây có thể coi là điểm mới trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN). Bởi lẽ, kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được Luật Phòng chống tham nhũng, công ước quốc tế xác định là một trong những giải pháp quan trọng để ngăn chặn và PCTN.

Đề án lần này tập trung vào 4 nội dung cơ bản: Thiết lập và xây dựng các quy định của pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn như quy định về kê khai, giải trình về tài sản, thu nhập; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện tất cả các khoản chi từ ngân sách Nhà nước đều phải qua ngân hàng; rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật về nhận, tặng quà và nộp lại quà tặng.

Theo đó, người có chức vụ, quyền hạn thuộc phạm vi kiểm soát phải thực hiện việc kê khai thu nhập phát sinh theo kỳ hạn (quý, năm) và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung kê khai. Người có chức vụ, quyền hạn có trách nhiệm giải trình, chứng minh nguồn gốc của các khoản thu nhập đã kê khai hoặc các vấn đề khác liên quan đến thu nhập khi có yêu cầu của cơ quan thẩm quyền.

Cơ quan Nhà nước có quyền kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất bản kê khai thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; có thể yêu cầu cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc che giấu thông tin, tẩu tán tài sản hoặc cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm tra, xác minh.

Đối với các khoản thu nhập không được kê khai hoặc kê khai không đầy đủ mà bị phát hiện, cơ quan có thẩm quyền sẽ yêu cầu giải trình nguồn gốc; nếu không giải trình được thì sẽ xem là các khoản thu nhập bất hợp pháp và phải chuyển hồ sơ vi phạm cho cơ quan chức năng xem xét, xử lý.

Dự thảo đề án cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu, đề xuất bổ sung tội danh “làm giàu bất hợp pháp” trong Bộ luật Hình sự; thực hiện việc điều tra, xử lý, thu hồi tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc của người có chức vụ, quyền hạn.


Toàn bộ các khoản thu nhập từ lương, thưởng, chuyển nhượng vốn, chứng khoán, bất động sản... sẽ được Nhà nước kiểm soát. Ảnh: TL

Tập trung người có chức vụ, quyền hạn

Băn khoăn về hiệu quả của đề án khi giao dịch vẫn dùng tiền mặt qua nhiều, bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, để thực hiện Đề án này, việc trước mắt bắt buộc phải làm được là bảo đảm không còn tiêu tiền mặt.

“Phải thông qua ngân hàng chứ để tiêu tiền mặt, thì không thể kiểm soát”. Bà An nói và nêu quan điểm: “Phải quản được tổng thu nhập tài sản dưới nhiều dạng và công khai, minh bạch tài sản của quan chức với tất cả công dân để giám sát”.

Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, việc thực hiện Đề án sẽ tốn kém một khoản kinh phí không hề nhỏ. Vì thế, cần phải quy định cả trách nhiệm cụ thể của các cơ quan thực hiện. “Nếu không kiểm soát được mà dư luận, báo chí lại phát hiện vấn đề, tiêu cực nào đó thì trách nhiệm thế nào? Ai chịu nếu xây dựng đề án hoành tráng rồi không hiệu quả?” - ông Cương đặt vấn đề.

Bộ Tài chính cho rằng để thực hiện Đề án này, tất cả những người có chức vụ, quyền hạn thuộc phạm vi kiểm soát phải sớm được cấp mã số thuế thu nhập cá nhân. Cơ sở dữ liệu về việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế thu nhập cá nhân của người có chức vụ, quyền hạn để quản lý trên mạng sẽ được hình thành và do Bộ này thực hiện.

Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra cho biết, để kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, Đề án đã đề ra việc kiểm soát các hoạt động công vụ như: Minh bạch tài sản, kê khai tài sản, minh bạch trong đấu thầu dự án.

Liên quan đến vấn đề giao dịch bằng tiền mặt, ông Hiệp cho biết: “Đề án đã đề cập sâu vấn đề này. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu Đề án về kiểm soát và tiêu dùng bằng tiền mặt. Đây là hai công việc cùng phải được triển khai, tuy nhiên do việc sử dụng tiền mặt kéo dài quá lâu nên chúng ta phải thực hiện có lộ trình và bước đầu tập trung vào người có chức vụ, quyền hạn”.

Ông Hiệp cũng cho rằng, với các hoạt động không liên quan công vụ thì chưa thể kiểm soát được ngay vì thu nhập đến từ rất nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, nếu như có dấu hiệu vi phạm thì những khoản chi tiêu như vậy phải được kiểm tra, giám sát.

Ông Hiệp nhấn mạnh: “Trong Nghị định 78 cũng đã quy định về tặng, nhận quà nhưng vấn đề là nếu cán bộ đó không kê khai thì vẫn chưa có biện pháp kiểm soát. Hướng tới chúng ta phải có được dữ liệu cá nhân, bao gồm cả dự liệu về thu nhập của cá nhân người có chức vụ, quyền hạn”.

Các loại thu nhập thuộc diện bị kiểm soát quy định tại Điều 3 (thu nhập chịu thuế) và Điều 4 (thu nhập được miễn thuế) Luật Thuế thu nhập cá nhân: Thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công; tiền thù lao dưới các hình thức; tiền thưởng (trừ các khoản kèm theo danh hiệu được Nhà nước phong tặng); từ chuyển nhượng vốn, chứng khoán, bất động sản, trúng thưởng; từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, tiền bồi thường tai nạn lao động, khoản bồi thường Nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định.

Q.Minh - H.Vũ

Theo Pháp luật & Xã hội

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,506

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079