Điều kiện kinh tế tối thiểu để người mẹ có thể trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau ly hôn từ 01/7/2024

01/06/2024 10:00 AM

Theo quy định, người mẹ là người trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau ly hôn. Tuy nhiên không đáp ứng điều kiện kinh tế tối thiểu thì quyền nuôi con này sẽ không còn.

Điều kiện kinh tế tối thiểu để người mẹ có thể trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau ly hôn từ 01/7/2024

Điều kiện kinh tế tối thiểu để người mẹ có thể trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau ly hôn từ 01/7/2024 (Hình từ Internet)

Điều kiện kinh tế tối thiểu để người mẹ có thể trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau ly hôn từ 01/7/2024

Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Đối với “trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”, tại Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã giải thích cụ thể như sau:

“Người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con” quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là trường hợp người mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh nặng khác mà không thể tự chăm sóc bản thân hoặc không thể trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

Ví dụ: Trường hợp người mẹ bị đột quỵ và liệt nửa người, không còn khả năng đi lại thì Tòa án không giao con dưới 36 tháng tuổi cho người mẹ trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

- Có thu nhập mỗi tháng thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và không có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

- Người mẹ không có điều kiện về thời gian tối thiểu để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Như vậy, về điều kiện kinh tế tối thiểu để người mẹ có thể trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi sau ly hôn từ 01/7/2024 là phải có thu nhập mỗi tháng cao hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người mẹ đang cư trú và có tài sản nào khác để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

(Khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014; Khoản 3 Điều 6 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP)

Quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Cụ thể tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

(1) Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại (5), Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

(2) Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

(i) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

(ii) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

(3) Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.

(4) Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.

(5) Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại (ii) của (2) thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

- Người thân thích;

- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

- Hội liên hiệp phụ nữ.

Chia sẻ bài viết lên facebook 581

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079