Hướng dẫn phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT 2024 chi tiết nhất (Hình từ internet)
Căn cứ Kế hoạch chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 theo Phụ lục I ban hành kèm theo Công văn 1277/BGDĐT-QLCL năm 2024 thì thời gian thu nhận đơn phúc khảo và lập danh sách phúc khảo là từ ngày 17/7 đến hết ngày 26/7/2024.
Cụ thể tại Mục 3 Phần II Quyết định 1584/QĐ-BGDĐT năm 2021 quy định trình tự phúc khảo bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông như sau:
- Các thí sinh dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT nộp đơn phúc khảo tại nơi đăng ký dự thi trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi.
- Nơi đăng ký dự thi nộp dữ liệu về thí sinh đăng ký phúc khảo cho Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Sở Giáo dục và Đào tạo chuyển dữ liệu thí sinh đăng ký phúc khảo cho Hội đồng thi để thực hiện.
- Điểm các bài thi được điều chỉnh sau phúc khảo do Trưởng ban Phúc khảo trình Chủ tịch Hội đồng thi quyết định và cập nhật điểm của thí sinh sau phúc khảo vào hệ thống phần mềm quản lý thi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Công bố kết quả phúc khảo cho thí sinh.
Thời hạn giải quyết là 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn phúc khảo.
Trường hợp thí sinh có bài thi được điều chỉnh điểm thì điểm của thí sinh sau phúc khảo được cập nhật vào hệ thống phần mềm quản lý thi theo quy định của Bộ GDĐT và được nhận Giấy chứng nhận kết quả thi sau phúc khảo.
Các thí sinh có thể tham khảo mẫu đơn phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT 2024 dưới đây:
Mẫu đơn phúc khảo bài thi tốt nghiệp THPT 2024 |
Theo tiểu mục 5 Mục VI Công văn 1277/BGDĐT-QLCL năm 2024, sau khi công bố kết quả thi, các đơn vị tổ chức phúc khảo bài thi theo quy định; lưu ý những điểm dưới đây:
- Các thành phần không trực tiếp tham gia công tác chuyên môn tại Ban Chấm thi như công an, bảo vệ, y tế, phục vụ có thể tham gia Ban Phúc khảo.
- Việc đăng ký chữ ký và quản lý thiết bị thu phát thông tin được thực hiện tương tự như Chấm thi.
- Phúc khảo bài thi trắc nghiệm:
+ Ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm nhận thông tin tài khoản phúc khảo trên phần mềm từ Bộ GDĐT gửi bằng email qlthi@moet.gov.vn (việc nhận email về Bộ GDĐT được thực hiện bên ngoài khu vực chấm phúc khảo).
+ Ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm nhận CD chứa dữ liệu phúc khảo (tệp tin Excel chứa danh sách thí sinh đề nghị phúc khảo theo môn thi), CD chứa thông tin khi chấm (của Ban Chấm thi trắc nghiệm đã bàn giao cho Hội đồng thi), các máy quét, máy chủ và các máy trạm, ... từ Hội đồng thi.
+ Ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm nhập dữ liệu phúc khảo vào Phần mềm, thực hiện kiểm tra bài thi của thí sinh có đề nghị phúc khảo để đối chiếu từng câu trả lời trên Phiếu TLTN của thí sinh với ảnh quét và kết quả nhận dạng sau sửa lỗi trên Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm đã lưu trong quá trình chấm thi. Nếu phát hiện có sai sót thì thực hiện điều chỉnh trên phần mềm chấm thi trắc nghiệm để chấm điểm và xuất báo cáo phúc khảo.
+ Sau khi chấm xong, Ban Phúc khảo bài thi trắc nghiệm thực hiện xuất dữ liệu báo cáo (CD4).
- Phúc khảo bài thi tự luận:
+ Ban Làm phách cử tối thiểu 03 người để thực hiện làm phách mới cho các bài thi của thí sinh có đơn phúc khảo. Người làm phách phải được cách ly triệt để từ khi thực hiện nhiệm vụ làm phách đến khi hoàn thành việc chấm phúc khảo.
+ Việc làm phách mới cho các bài thi được Ban Làm phách thực hiện theo quy trình làm phách 1 vòng bằng Phần mềm Hỗ trợ chấm thi hoặc làm phách thủ công; dán kín số phách cũ và đánh số phách mới trước khi bàn giao các túi bài thi đã được làm phách mới cho Ban Thư ký Hội đồng thi.
+ Ban Phúc khảo bài thi tự luận tổ chức chấm lại bài thi theo hướng dẫn chấm, bảo đảm đúng nguyên tắc 02 CBChT chấm độc lập trên một bài thi.
- Thực hiện việc cập nhật điểm của thí sinh sau phúc khảo vào Hệ thống QLT và báo cáo kết quả sau phúc khảo theo quy định tại Điều 33 Quy chế thi.
- Lập hồ sơ phúc khảo, bao gồm: Quyết định thành lập Ban Phúc khảo, các biên bản của Ban Phúc khảo, các biên bản đối thoại giữa các cặp chấm thi (nếu có), danh sách thí sinh được thay đổi điểm bài thi.