Đề xuất mới về các trường hợp Việt Nam từ chối dẫn độ cho nước ngoài

26/07/2024 09:45 AM

Bộ Công an đang đề xuất các quy định mới về trường hợp Việt Nam từ chối dẫn độ cho nước ngoài trong Dự thảo Luật Dẫn độ.

Đề xuất mới về các trường hợp Việt Nam từ chối dẫn độ cho nước ngoài

Đề xuất mới về các trường hợp Việt Nam từ chối dẫn độ cho nước ngoài (Hình từ Internet)

Mới đây, Bộ Công an đã công bố Dự thảo Luật Dẫn độ, dự kiến sẽ thay thế các quy định về dẫn độ trong Luật Tương trợ tư pháp 2007.

Dự thảo Luật Dẫn độ

Định nghĩa dẫn độ theo Dự thảo Luật Dẫn độ

Dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người bị buộc tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

Trong đó dẫn độ được phân thành 02 loại như sau:

- Dẫn độ tạm thời là việc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định dẫn độ tạm thời người bị yêu cầu dẫn độ cho nước yêu cầu dẫn độ trong trường hợp việc hoãn dẫn độ làm cản trở việc truy cứu trách nhiệm hình sự ở nước ngoài do hết thời hiệu hoặc gây khó khăn nghiêm trọng cho việc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bị yêu cầu dẫn độ.

- Dẫn độ lại là việc cơ quan có thẩm quyền quyết định dẫn độ lại cho nước yêu cầu đối với người đã bị dẫn độ nhưng trốn tránh việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt và quay trở lại nước yêu cầu dẫn độ.

Đề xuất mới về các trường hợp Việt Nam từ chối dẫn độ cho nước ngoài

Theo Dự thảo Luật Dẫn độ, Bộ Công an dự kiến các trường hợp Việt Nam từ chối dẫn độ cho nước ngoài như sau:

(1) Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ từ chối dẫn độ cho nước ngoài nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam.

- Hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc hết thời hiệu thi hành bản án đối với người bị yêu cầu dẫn độ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Người bị yêu cầu dẫn độ đã bị Tòa án của Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Người bị yêu cầu dẫn độ có khả năng bị truy bức, tra tấn ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị hoặc vì lý do khác.

- Hành vi mà người bị yêu cầu dẫn độ không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam.

(2) Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể từ chối dẫn độ cho nước ngoài nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Tội phạm bị yêu cầu dẫn độ là tội phạm liên quan đến chính trị, quân sự.

- Người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ.

- Khi có căn cứ cho rằng nước ngoài không thực hiện các yêu cầu dẫn độ của Việt Nam;

- Khi có căn cứ cho rằng người bị yêu cầu dẫn độ không bảo đảm các yêu cầu về sức khỏe hoặc các lý do nhân đạo khác.

Lưu ý:

- Nếu có căn cứ chắc chắn người bị yêu cầu dẫn độ thuộc trường hợp bắt buộc từ chối dẫn độ thì Cơ quan Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ ra thông báo từ chối dẫn độ mà không cần Tòa án nhân dân có thẩm quyền xem xét, thụ lý hồ sơ.

- Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ theo quy định tại (1) và (2) có trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước yêu cầu dẫn độ.

Chia sẻ bài viết lên facebook 761

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079