Rối với thuế GTGT

11/04/2014 10:14 AM

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) gần đây lại “nóng” lên với nhiều vấn đề rắc rối. Từ chuyện doanh nghiệp mới thành lập phải có giá trị đầu tư tài sản cố định từ 1 tỉ đồng trở lên mới được áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, đến chuyện hoàn thuế không được... Vì sao như vậy?

Luật Thuế GTGT sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua vào ngày 19-6-2013. Đến ngày 18-12-2013, Chính phủ ban hành Nghị định 209/2013/NĐ-CP và đến 31-12-2013, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn nghị định trên. Điều đáng nói là Thông tư 219 có hiệu lực ngay ngày hôm sau, 1-1-2014, dù theo quy định phải là 45 ngày sau thời điểm ban hành. Tại sao cơ quan quản lý lại gấp gáp đến như vậy?

Chưa hết, tất cả văn bản từ luật đến nghị định, thông tư hướng dẫn đều do Bộ Tài chính làm, từ tham mưu đến soạn thảo, đề xuất ký ban hành hoặc ban hành. Hệ quả là có không ít quy định được người trong cuộc đánh giá là thuận tiện cho cơ quan quản lý hơn là bám sát thực tế, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Chẳng hạn, để quản lý các doanh nghiệp mới thành lập, ngăn ngừa tình trạng mua bán hóa đơn GTGT khống, chiếm đoạt tiền hoàn thuế đã từng xảy ra, cơ quan quản lý đặt ra yêu cầu doanh nghiệp thành lập từ ngày 1-1-2014 phải mua sắm tài sản cố định trên 1 tỉ đồng mới được đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT. Quy định này đã gây bức xúc cho doanh nghiệp vì nó vô lý, thiếu thực tế và thiếu cơ sở lý luận vững chắc. Bởi lẽ, chiếm khá lớn trong số doanh nghiệp mới thành lập là đơn vị cung cấp dịch vụ, doanh thu có được nhờ chất xám và đầu tư ban đầu có khi chỉ là vài cái bàn, cái ghế và một số nhân viên. Còn nếu là doanh nghiệp sản xuất thì hiện nay cũng có nhiều đơn vị sử dụng hình thức gia công sản phẩm, họ chỉ lo về khâu thiết kế, nghiên cứu mẫu mã và bán hàng.

Và trong nỗ lực để gỡ khó cho doanh nghiệp, mới đây Tổng cục Thuế đã cho phép doanh nghiệp mới thành lập từ ngày 1-1 đến 28-2-2014 đã được cơ quan thuế chấp nhận áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT và đã đặt in, sử dụng hóa đơn GTGT được khấu trừ, hoàn thuế.

Thế nhưng, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi đối với các doanh nghiệp thành lập sau thời điểm 28-2 thì tính sao đây? Không thấy cơ quan quản lý thuế đề cập tới.

Hay như chuyện hoàn thuế. Câu chuyện ở mặt hàng mủ cao su sơ chế là một ví dụ sinh động cho những “khốn khổ” của doanh nghiệp vì cách hiểu, cách áp dụng luật rất khác nhau của các cơ quan thực thi tại địa phương. Khi mua hàng của đối tác ở Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, doanh nghiệp TPHCM đều phải trả thêm 5% thuế GTGT.

Cơ sở để đối tác và cả các cục thuế địa phương này áp dụng là khoản 6, điều 10 Thông tư 219. Vậy nhưng, khi hoàn thuế tại Cục Thuế TPHCM, doanh nghiệp lại bị từ chối với lý do khoản 5, điều 5 cùng thông tư kể trên quy định mặt hàng này không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

Sau khi có sự can thiệp của Hiệp hội Cao su, Bộ Tài chính trả lời dứt khoát rằng đây là mặt hàng chịu thuế 5% trong khâu nhập khẩu, sản xuất hay kinh doanh thương mại, nghĩa là doanh nghiệp được hoàn thuế.

Tưởng chuyện đã xong, nào ngờ doanh nghiệp tiếp tục bị “treo” tiền hoàn thuế chỉ vì tên mặt hàng trong Thông tư 219 không trùng với mã hàng hóa trong biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi và cơ quan thuế thì muốn được hướng dẫn rõ ràng, tránh rắc rối về sau.

Những khúc mắc này lẽ ra không có nếu các cơ quan quản lý thuế không quản lý theo cách “đẩy phần khó về cho doanh nghiệp”, và các quy định về thuế không thể tạo ra nhiều cách hiểu như hiện nay.

Trong khi đó, ở phía ngược lại, doanh nghiệp cũng chẳng mấy quan tâm tìm hiểu về chính sách mới, đến khi đụng chuyện mới “la làng”.

Chẳng hạn mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM đã nhận được hàng loạt yêu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng nông nghiệp, thủy sản.

Theo quy định của Luật Thuế GTGT ban hành tháng 6-2013 và các nghị định, thông tư hướng dẫn, từ 1-4, sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường không phải chịu thuế GTGT.

Vậy nhưng, nhiều doanh nghiệp ở các địa phương khác vẫn áp dụng mức 5% như quy định cũ, kết quả là nhiều doanh nghiệp ở TPHCM “lỡ” mua hàng, rồi xuất hóa đơn nhưng hoàn thuế không được. Có doanh nghiệp “dính” cả 1.000 hóa đơn mua nguyên liệu trong ba tháng đầu năm.

Ở đây khó khăn của doanh nghiệp là có thật, nhưng nếu doanh nghiệp không quá thờ ơ với chính sách mới có lẽ sự việc đã không trôi theo cách hiện nay.

Minh Tâm

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,332

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079