Trung Quốc phải đưa giàn khoan ra khỏi Việt Nam

06/05/2014 09:39 AM

Ngày 5-5, Cục Hải dương Trung Quốc thông báo bằng tiếng Hoa và tiếng Anh cho biết giàn khoan Hải Dương 981 sẽ hoạt động trong khu vực 15-29,58 độ vĩ bắc và 111-120,6 độ kinh đông trong vòng ba tháng (tức từ ngày 4-5 đến 15-8-2014).

Tại cuộc họp báo hằng ngày hôm qua, theo Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng giàn khoan HD981 đang hoạt động trong vùng biển của Trung Quốc. “Theo thông tin chúng tôi biết thì hôm 3-5, Cục Hải sự Trung Quốc đã ban hành thông báo liên quan đến hoạt động của giàn khoan 981 của Trung Quốc. Những hoạt động của giàn khoan này đều nằm trong khu vực biển thuộc về Trung Quốc” - bà Hoa nói.

Chiều 5-5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết đã chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) có ý kiến chính thức với Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) về việc đã đưa giàn khoan sang vùng lãnh thổ của VN. Theo đó, PVN đã yêu cầu CNOOC đưa giàn khoan ra khỏi vùng lãnh thổ của VN.

Ông Hải nhận định việc Trung Quốc đem giàn khoan sang đặt ở thềm lục địa của VN đã từng xảy ra. VN sẽ có những biện pháp đảm bảo quyền lãnh thổ cũng như quyền tài phán của VN, đảm bảo quyền kinh doanh chính đáng của các doanh nghiệp chúng ta trên lãnh thổ VN.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Văn Hậu, tổng giám đốc PVN, cho biết khu vực lô 143 mà Trung Quốc đưa giàn khoan xuống, dù hiện tại VN chưa tiến hành thăm dò khai thác nhưng hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của VN, vì vậy PVN đã và sẽ kiên quyết phản đối. Ông Hậu nói việc Trung Quốc đưa giàn khoan xuống nhưng cũng mới là bước khoan thăm dò chứ chưa phải khai thác. Ông Hậu khẳng định công tác thăm dò, khai thác của PVN tới đây sẽ vẫn tiến hành bình thường theo đúng kế hoạch.

CẦM VĂN KÌNH - LÊ THANH

(Theo Tuổi trẻ)

Vùng đặc quyền kinh tế là gì?


Vị trí giàn khoan HD981 đặt trái phép nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam - Đồ họa: Như Khanh

Theo công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, mỗi quốc gia ven biển có năm vùng biển bao gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải và có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về kinh tế và quyền tài phán. Quyền chủ quyền về kinh tế bao gồm các quyền đối với khai thác tài nguyên sinh vật (điều 62), tài nguyên không sinh vật của cột nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Hoạt động khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế đem lại lợi ích cho quốc gia ven biển như khai thác năng lượng nước, hải lưu, gió...

Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia ven biển.

Quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển bao gồm quyền lắp đặt, sửa chữa các đảo nhân tạo, công trình, thiết bị trên biển; quyền nghiên cứu khoa học biển; quyền bảo vệ môi trường.

HD981 - giàn khoan bán chìm thế hệ thứ sáu

Ngày 9-5-2012, Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã hạ thủy giàn khoan Hải Dương 981 ở mỏ dầu Lệ Loan 6-1-1, khu vực cách Hong Kong 320km về phía đông nam (phía bắc biển Đông). Ngay sau khi HD981 được hạ thủy, chủ tịch CNOOC Vương Nghi Lâm hùng hồn mô tả “đây là biên giới di động, là lãnh thổ di động và là một trong những vũ khí chiến lược của Trung Quốc trong cuộc chiến năng lượng dầu khí”.

Với HD981, CNOOC muốn thực hiện tham vọng khai thác 1 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2020.

Giàn khoan HD981 nằm trong kế hoạch năm năm lần thứ 11 (giai đoạn 2005-2010) của Trung Quốc là chế tạo sáu tàu thuộc đội tàu liên hợp khai thác dầu ở độ sâu 3.000m với tổng vốn đầu tư khoảng 15 tỉ nhân dân tệ (khoảng 2,3 tỉ USD). Đội tàu này hiện hộ tống cho giàn khoan HD981 hoạt động ở biển Đông.

HD981 là giàn khoan bán chìm thế hệ thứ sáu, do CNOOC sở hữu và điều hành. CNOOC và Tập đoàn Công nghiệp tàu thuyền Trung Quốc phối hợp sản xuất với tổng vốn đầu tư 6 tỉ nhân dân tệ (983,7 triệu USD). Với chiều dài 114m, rộng 90m, cao 137,8m và nặng 31.000 tấn, HD981 có kích cỡ bằng một sân bóng đá, được thiết kế đủ sức chống bão mạnh cấp 10.

Ngoài ra, giàn khoan khủng này còn được trang bị hệ thống định vị toàn cầu và nhiều trang thiết bị hiện đại khác, có khả năng phục vụ nhu cầu làm việc và nghỉ ngơi cho 160 người. Trên giàn khoan có hệ thống chín máy phát điện, công suất đủ đáp ứng cho nhu cầu của 200.000 dân. Theo Tân Hoa xã, nơi dự trữ nhiên liệu chỉ dành cho hệ thống phát điện này có dung tích đến 4.500 tấn, đủ cung cấp cho các máy phát điện chạy trong 30 ngày.

MỸ LOAN

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,860

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079