Hướng dẫn về tiêu chuẩn đánh giá về năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư trong đấu thầu năm 2024 (Hình từ internet)
Ngày 16/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất.
Cụ thể, tại Điều 46 Nghị định 115/2024/NĐ-CP tiêu chuẩn đánh giá về năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư trong đấu thầu như sau:
(1) Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực tài chính, khả năng thu xếp vốn gồm các tiêu chí sau đây:
- Yêu cầu về vốn chủ sở hữu được xác định trên cơ sở tổng vốn đầu tư của dự án;
Yêu cầu về vốn chủ sở hữu tối thiểu đối với dự án bất động sản và dự án quy định tại các điểm d, đ, h và k khoản 2 Điều 4 của Nghị định 115/2024/NĐ-CP được xác định theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Trường hợp liên danh, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn chủ sở hữu của các thành viên liên danh, từng thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu tương ứng với phần góp vốn chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh. Nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 30%, từng thành viên liên danh có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15%.
- Yêu cầu về khả năng huy động vốn vay của nhà đầu tư; trường hợp liên danh, vốn vay của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn vay của các thành viên liên danh;
- Yêu cầu về các chỉ tiêu tài chính (nếu có).
(2) Tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự căn cứ lĩnh vực; quy mô đầu tư; thời gian và mức độ hoàn thành công trình, dự án, gồm các tiêu chí sau đây:
- Kinh nghiệm đầu tư, xây dựng công trình, dự án tương tự;
- Kinh nghiệm vận hành, kinh doanh công trình, dự án tương tự (áp dụng đối với dự án có yêu cầu vận hành, kinh doanh để cung cấp sản phẩm, dịch vụ, phù hợp với mục đích, tính chất, yêu cầu quản lý của từng dự án);
- Kinh nghiệm của nhân sự chủ chốt, trang thiết bị chuyên dùng trong trường hợp pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực có yêu cầu;
- Lịch sử tranh chấp, khiếu kiện đối với dự án đã và đang thực hiện;
- Lịch sử bị ngừng hoặc chấm dứt hoạt động đầu tư của nhà đầu tư tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi triển khai dự án (nếu có).
(3) Trường hợp liên danh, kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự quy định tại (2) của nhà đầu tư liên danh bảng tổng số dự án của các thành viên liên danh đã thực hiện.
(4) Nhà đầu tư được sử dụng kinh nghiệm của đối tác để chứng minh kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự quy định tại (2). Đối tác là tổ chức ký kết hợp đồng với nhà đầu tư hoặc là công ty con của nhà đầu tư, được nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu để cùng tham gia thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Trong trường hợp này, kinh nghiệm của đối tác và khả năng đáp ứng công việc đối tác tham gia cùng thực hiện phải được đánh giá trên cơ sở yêu cầu quy định lại hồ sơ mời thầu.
(5) Trường hợp dự án áp dụng hình thức đấu thầu trong nước nhưng cần thúc đẩy sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý quốc tế, hồ sơ mời thầu có thể quy định nhà đầu tư trong nước được sử dụng đối tác là nhà thầu nước ngoài.
(6) Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất đã thực hiện thủ tục mời quan tâm và có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 43 của Nghị định 115/2024/NĐ-CP, tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm trong hồ sơ mời thầu phải được cập nhật, bổ sung căn cứ hồ sơ mời quan tâm được phê duyệt, các khoản (1), (2), (3), (4) và (5) và các văn bản quy định tại Điều 13 của Nghị định 115/2024/NĐ-CP.
Xem thêm nội dung tại Nghị định 115/2024/NĐ-CP.