Làm sao độc lập trong xét xử?

24/05/2014 08:59 AM

Chiều 22-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật tổ chức tòa án nhân dân (TAND - sửa đổi) và Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân (VKSND - sửa đổi).

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu thảo luận dự án sửa đổi Luật tổ chức TAND và Luật tổ chức VKSND - Ảnh: Việt Dũng

Thảo luận tại các tổ, đại biểu quan tâm nhiều nhất tới vấn đề đảm bảo tính độc lập trong xét xử của tòa án, đặc biệt là đối với thẩm phán.

Chỉ cần một cú điện thoại là thẩm phán bị chi phối

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, việc sửa đổi Luật tổ chức TAND và Luật tổ chức VKSND lần này có triết lý lớn nhất là đảm bảo tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của các cơ quan hoạt động trong lĩnh vực tư pháp.

“Ở nhiều nước, tư pháp là một bộ máy phi chính trị để không bị các thế lực chính trị và lợi ích nhóm tác động. Với ta thì một đảng lãnh đạo, các cơ quan tư pháp phối hợp hoạt động. Vậy làm thế nào để độc lập? Nghị quyết của Bộ Chính trị đặt ra vấn đề tổ chức tòa án, VKSND theo khu vực, tách khỏi tổ chức của đơn vị hành chính. Vì sao vậy? Lãnh đạo chính quyền cấp hành chính đó là thành viên của cấp ủy, mà cấp ủy lại có quyền rất lớn đối với bổ nhiệm nhân sự các cơ quan tư pháp. Luật tổ chức TAND và Luật tổ chức VKSND trong lần sửa đổi này đều tổ chức theo bốn cấp xét xử, tách ra khỏi các đơn vị hành chính” - ông Quyền phân tích.

Ông Quyền cũng giải thích tòa án tổ chức bốn cấp thì công việc của cấp trên sẽ dồn xuống cấp dưới, đặc biệt là ở cấp TAND tối cao tới đây chỉ xét xử giám đốc thẩm, như các nước gọi là tòa phá án. “Phải nói rằng đây là một cuộc cách mạng trong công tác tổ chức xét xử” - ông nói. Tuy nhiên, để mỗi vị thẩm phán khi ngồi phòng xét xử luôn “độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” thì còn cần phải xác lập rõ mối quan hệ giữa các cấp tòa án, đảm bảo vị thế độc lập mới tránh được tình trạng thỉnh thị án, chỉ đạo án.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) nói rõ quan điểm ủng hộ tổ chức tòa án khu vực thay vì tổ chức tòa án cấp huyện như hiện nay. Ông Lịch cho rằng tổ chức lại theo mô hình này sẽ bớt đi cách tổ chức rập khuôn, đồng loạt trên các đơn vị hành chính, trong khi đặc điểm từng nơi hoàn toàn khác nhau.

Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Văn Đương (ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội) tranh luận nếu thành lập tòa án khu vực thì ở đô thị thực chất chỉ đổi tên gọi, còn ở các huyện miền núi vốn xa xôi cách trở, dân đến tòa rất khó khăn? Hơn nữa, nếu thành lập tòa án khu vực thì tốn kém không biết bao nhiêu tiền để xây dựng trụ sở, làm đảo lộn công tác của vài nghìn công chức ngành tòa án. “Tôi cho rằng cần thảo luận rất kỹ cái được và không được (của việc thành lập các tòa án khu vực)” - đại biểu Đương nói.

Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh - phó chánh án TAND TP.HCM, quan trọng nhất là làm sao tôn trọng tính độc lập của tòa án, trong đó cần xác định địa vị pháp lý của thẩm phán một cách rõ ràng. Ở góc độ này, đại biểu Đỗ Văn Đương nói: “Quan trọng nhất của tòa án là tính độc lập của thẩm phán khi xét xử, chứ không phải vấn đề độc lập của tòa án”. Theo đại biểu Đương, chỉ một cú điện thoại, dù ngồi ở đâu cũng bị chi phối, trong luật cần quy định chặt chẽ để có thể loại bỏ các yếu tố tác động của tổ chức, cá nhân vào việc xét xử của thẩm phán, bảo đảm tính độc lập, kể cả chuyện chánh án, phó chánh án duyệt án của thẩm phán trước khi xét xử.

Phải tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”

Trong khi đó, Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn cho rằng mối quan hệ giữa tòa án và viện kiểm sát cũng cần phải tính toán kỹ, bởi nếu quy định quá sâu việc viện kiểm sát có quyền kiểm sát hoạt động xét xử, kiểm soát quyền tư pháp thì có thể ảnh hưởng đến sự độc lập của tòa án. Cần quy định cụ thể trách nhiệm của kiểm sát viên tại tòa. Ví dụ, một vụ án do VKSND tối cao giữ quyền công tố, khi đem ra xét xử tại một tỉnh xa, nếu trong tranh tụng có vấn đề gì đó thì kiểm sát viên rất khó quyết định, lại phải chờ xin ý kiến của lãnh đạo. “Chúng tôi đề nghị nghiên cứu quy định tính độc lập của kiểm sát viên tại tòa, tức là anh quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật” - ông Sơn nói.

Giám đốc Công an Hà Nội - thiếu tướng Nguyễn Đức Chung đặt vấn đề: “Nếu quy định cơ quan điều tra của VKSND tối cao có thẩm quyền điều tra các vi phạm trong hoạt động tố tụng, vậy tôi xin hỏi ai là người kiểm sát cơ quan điều tra của viện kiểm sát? Tôi đề nghị nếu tồn tại cơ quan này thì cần làm rõ cơ quan nào kiểm sát hoạt động điều tra của VKSND tối cao để tránh tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Ngoài ra, đại biểu Trần Du Lịch đề xuất cần thành lập tòa án giản lược (còn tên gọi khác là tòa cấp thẩm - xử lý những vụ việc một cách cấp tốc) để xét xử các vụ việc với thủ tục giản lược. “Tôi đề nghị cần tổ chức tòa án này cùng với việc xem xét lại luật về xử phạt vi phạm hành chính” - ông Lịch nói.

Ông Lịch cũng đề nghị bổ sung phạt vi phạm hành chính vừa phạt tiền vừa phạt lao động công ích. Tòa án giản lược sẽ là nơi quyết định việc áp dụng hình thức phạt lao động công ích. Tiến tới cơ quan hành chính không ra một quyết định nào liên quan đến nhân thân của bất cứ một ai, tất cả đều phải ra tòa. “Tôi luôn luôn uất ức là chỉ phạt vi phạm hành chính bằng tiền. Ở Mỹ, con gái tổng thống uống rượu sai quy định bị phạt lao động công ích bảy ngày” - ông Lịch cho biết, đồng thời cũng nói rõ quan điểm không đồng tình với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị giao thẩm quyền (về tòa án giản lược) cho tòa án hành chính hiện nay.

Mô hình hội thẩm nhân dân “nửa dơi nửa chuột”

Đó là cách gọi của đại biểu Trần Du Lịch khi nêu bức xúc về vấn đề hội thẩm trong hoạt động xét xử của tòa án. Theo đó: “Liên quan đến hội thẩm, tôi rất tâm tư. Cơ chế hội thẩm của ta là cơ chế dang dở, là “di sản” của tòa án nhân dân kiểu cũ. Tôi thật sự rất bức xúc mô hình hội thẩm nửa dơi nửa chuột”.

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng băn khoăn về vấn đề hội thẩm, cần nghiên cứu lại. Về nguyên tắc, hội thẩm ngang quyền với thẩm phán, tuy nhiên không được đào tạo chuyên môn như thẩm phán. Do vậy, hoặc là hội thẩm theo quan điểm của thẩm phán, hoặc là hai hội thẩm trong hội đồng xét xử không thống nhất với thẩm phán thì thẩm phán thua vì chỉ là thiểu số trong hội đồng này. “Cơ chế hội thẩm hiện nay có điểm chưa ổn” - ông Nghĩa lưu ý.

Quốc Thanh - L.Kiên

Theo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,384

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079