Trước đó, ngày 22/5, Quốc hội thảo luận về Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) mới nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập hiện nay trong lĩnh vực khám chữa bệnh.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế lần này tập trung vào một số nội dung như sửa đổi các quy định về bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế; về quy định tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; về quản lý, phân bổ sử dụng và xử lý kết dư, bội chi quỹ bảo hiểm y tế; về quy định giảm mức cùng chi trả đối với thân nhân người có công với cách mạng, người thuộc hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; về thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với bệnh nhân tự đi khám bệnh, chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến chuyên môn kỹ thuật.
Sau 3 năm triển khai Luật Bảo hiểm y tế (hiện hành), mặc dù trong Luật đã quy định cụ thể các đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT nhưng việc tuân thủ pháp luật của các đối tượng này chưa cao.
Để thực hiện được mục tiêu BHYT toàn dân thì cần phải quy định bắt buộc tham gia đối với tất cả các đối tượng, Nhà nước sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia BHYT, cũng như cơ chế chính sách về giá dịch vụ y tế để thúc đẩy toàn dân tham gia BHYT.
* Cùng ngày, Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến Dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn; thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Thi hành án dân sự sửa đổi.
Lê Sơn
Theo Báo điện tử Chính phủ