Lý do sáp nhập các bộ ngành trung ương trong nhiệm kỳ tới theo Nghị quyết 18 là gì?

29/11/2024 16:15 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về lý do sáp nhập các bộ ngành trung ương trong nhiệm kỳ tới theo Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017.

Lý do sáp nhập các bộ ngành trung ương trong nhiệm kỳ tới theo Nghị quyết 18 là gì? (Hình từ internet)

Lý do sáp nhập các bộ ngành trung ương trong nhiệm kỳ tới theo Nghị quyết 18 là gì?

Căn cứ theo Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương đã nêu những nguyên nhân hạn chế, bất cập như sau: 

- Mô hình tổng thể về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa được hoàn thiện, một số bộ phận, lĩnh vực chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa đầy đủ, toàn diện về tầm quan trọng, tính cấp thiết và những yêu cầu đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là về những hạn chế, yếu kém đang tác động trực tiếp đến vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân.

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của Nhà nước về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế thiếu kiên quyết, đồng bộ; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, lợi ích cục bộ; tư tưởng bao cấp, tâm lý dựa dẫm, trông chờ vào Nhà nước còn khá phổ biến. Một số cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu ở các cấp chưa có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động thiếu quyết liệt.

- Công tác quản lý tổ chức bộ máy và biên chế chưa chặt chẽ và chưa tập trung thống nhất vào một đầu mối. Trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành vẫn quy định về tổ chức bộ máy, biên chế; một số văn bản pháp luật về tổ chức còn nội dung chưa phù hợp.

Cơ chế, chính sách khuyến khích việc sắp xếp tinh gọn tổ chức, biên chế chưa phù hợp, thiếu mạnh mẽ. Việc phân bổ kinh phí thường xuyên theo biên chế chưa gắn với kết quả và hiệu quả hoạt động của các tổ chức, cơ quan, đơn vị là một trong những nguyên nhân làm tăng biên chế.

- Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát thiếu thường xuyên; chưa xử lý nghiêm đối với những tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; chưa có cơ chế đánh giá phù hợp và thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

- Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa được coi trọng và chưa được tiến hành một cách căn cơ, bài bản, thiết thực; công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng chưa kịp thời.

Từ những nguyên nhân hạn chế, bất cập nêu trên Ban Chấp hành Trung ương đã nêu nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đối với hệ thống tổ chức của Nhà nước ở Trung ương nhằm thực hiện việc tinh gọn bộ máy. Khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu khẩn trương rà soát, cương quyết sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa các bộ, ngành và các tổ chức trực thuộc các bộ, ngành.

Khắc phục triệt để sự trùng lặp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ để một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Rà soát, sắp xếp theo hướng giảm các tổ chức phối hợp liên ngành, nhất là các tổ chức có bộ phận giúp việc chuyên trách.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của một số bộ, ngành, nhất là những bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, trùng lặp để có giải pháp phù hợp và thực hiện kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối trong nhiệm kỳ tới, như: Ngành giao thông - xây dựng; tài chính - kế hoạch đầu tư; lĩnh vực dân tộc - tôn giáo...

Như vậy, có thể thấy lý do dẫn đến sáp nhập các bộ ngành trung ương là nhằm thực hiện việc tinh gọn bộ máy, đảm bảo việc hoạt động hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ ngành.

Số lượng các bộ hiện nay của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026)

Căn cứ: Nghị quyết 08/2021/QH15 năm 2021 thì  cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 18 Bộ và 04 cơ quan ngang Bộ:

(1) Bộ Quốc phòng;

(2) Bộ Công an;

(3) Bộ Ngoại giao;

(4) Bộ Nội vụ;

(5) Bộ Tư pháp;

(6) Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

(7) Bộ Tài chính;

(8) Bộ Công Thương;

(9) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

(10) Bộ Giao thông vận tải;

(11) Bộ Xây dựng;

(12) Bộ Tài nguyên và Môi trường;

(13) Bộ Thông tin và Truyền thông;

(14) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

(15) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

(16) Bộ Khoa học và Công nghệ;

(17) Bộ Giáo dục và Đào tạo;

(18) Bộ Y tế;

(19) Ủy ban Dân tộc;

(20) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

(21) Thanh tra Chính phủ;

(22) Văn phòng Chính phủ.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 261

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079