Quy trình khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ từ 01/01/2025 (Hình từ Internet)
Ngày 13/11/2024, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 72/2024/TT-BCA quy định quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 72/2024/TT-BCA thì khi tiến hành khám nghiệm hiện trường phải lập Biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ theo Mẫu số 06/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư 72/2024/TT-BCA và vẽ Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ theo Mẫu số 07/TNĐB ban hành kèm theo Thông tư 72/2024/TT-BCA; sơ đồ hiện trường phải đồng nhất với biên bản khám nghiệm hiện trường. Việc khám nghiệm hiện trường cụ thể như sau:
- Quan sát toàn bộ khu vực xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ để xác định vị trí nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ ở hiện trường;
- Căn cứ chiều hướng khám nghiệm, điểm làm mốc ở hiện trường để đánh dấu theo số tự nhiên thứ tự vị trí của tất cả các nạn nhân, tang vật, phương tiện và dấu vết có liên quan đến vụ tai nạn giao thông đường bộ;
- Chụp ảnh hiện trường, gồm: Ảnh hiện trường chung, hiện trường từng phần, quay camera (nếu có); chụp ảnh nạn nhân, tang vật, phương tiện, dấu vết có liên quan và phải đặt thước tỷ lệ. Việc chụp ảnh hiện trường phải được lập thành Bản ảnh hiện trường, sắp xếp ảnh theo thứ tự, có chú thích ảnh;
- Đo và vẽ sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ, sử dụng thống nhất kí hiệu và đơn vị đo; thể hiện đầy đủ tổ chức giao thông (hệ thống biển báo, vạch kẻ đường, đèn tín hiệu và các hệ thống báo hiệu khác có liên quan, công trình phụ trợ gắn liền đường bộ nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông) nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ; phần chú dẫn phải thể hiện tỷ lệ vẽ, dấu vết, ký hiệu trên sơ đồ hiện trường;
- Thu lượm tang vật, phương tiện, dấu vết để bảo quản và lấy mẫu so sánh đúng quy định của pháp luật. Những dấu vết dễ bị thay đổi hoặc biến dạng phải được thu lượm bảo quản ngay như: vết máu, lông, tóc, sợi, xăng, dầu, các dấu vết hóa học khác.
Nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông khi thực hiện tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 65 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 bao gồm:
- Quan sát, nắm tình hình người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ; tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ; an ninh, trật tự trên tuyến giao thông đường bộ;
- Thực hiện quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 65 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024;
- Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông đường bộ chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
- Giúp đỡ, hỗ trợ người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ khi cần thiết;
- Chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ;
- Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật;
- Đấu tranh phòng, chống tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ, bảo đảm an ninh, trật tự theo quy định của pháp luật; tham gia phòng, chống khủng bố, biểu tình gây rối, dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn; tham gia cứu nạn, cứu hộ;
- Phát hiện những bất cập về đường bộ, tổ chức giao thông đường bộ, nguyên nhân dẫn đến mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thông báo cho cơ quan chức năng hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục;
- Phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ;
- Nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Công an nhân dân 2018 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Xem thêm Thông tư 72/2024/TT-BCA có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 và thay thế Thông tư 63/2020/TT-BCA.