Công tác kiểm tra hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ từ 01/01/2025 (Hình từ Internet)
Theo quy định tại Điều 23 Thông tư 40/2024/TT-BGTVT thì công tác kiểm tra hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ như sau:
- Hàng năm, Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam lập kế hoạch kiểm tra và triển khai thực hiện kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và quản lý, bảo quản, sử dụng vật tư, trang thiết bị dự phòng đối với các cơ quan, đơn vị liên quan.
Để đối phó với các diễn biến bất ngờ của thiên tai, Ban chỉ huy phòng thủ dân sự Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động kiểm tra đột xuất nhằm đôn đốc và chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, vi phạm để tăng cường hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
- Các Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án, doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ căn cứ vào điều kiện đặc thù của địa bàn quản lý, chủ động tổ chức thực hiện kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và quản lý, bảo quản, sử dụng vật tư, trang thiết bị dự phòng đối với các đơn vị trực thuộc và các doanh nghiệp, nhà thầu thi công công trình đường bộ trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.
- Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có liên quan phải chỉ đạo thực hiện việc kiểm tra và tự kiểm tra công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai phù hợp với nhiệm vụ được giao.
Theo đó, chế độ báo cáo trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và các quy định tại Điều 22 Thông tư 40/2024/TT-BGTVT như sau:
- Khi xảy ra thiên tai thì tùy theo mức độ xảy ra, Khu Quản lý đường bộ (đối với quốc lộ), Sở Giao thông vận tải (đối với đường bộ thuộc phạm vi quản lý), Ban Quản lý dự án (đối với dự án đang thi công, công trình đường bộ đang trong thời gian bảo hành), doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường bộ (đối với các công trình đường bộ đầu tư xây dựng và khai thác theo hình thức BOT và các hình thức hợp đồng dự án khác) phải báo cáo về Ban chỉ huy phòng thủ dân sự Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam như sau:
+ Báo cáo trực tiếp: là báo cáo tình hình diễn biến thiên tai qua điện thoại thường trực, điện thoại di động hoặc truyền dữ liệu, hình ảnh qua công nghệ viễn thông những sự cố, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đối với công trình đường bộ, hoạt động vận tải đường bộ, đe dọa tính mạng của nhân dân để có ngay biện pháp xử lý tình huống;
+ Báo cáo ngày qua thư điện tử: là báo cáo bằng văn bản gửi qua thư điện tử, fax trước 8 giờ sáng và trước 16 giờ chiều hàng ngày trong suốt thời gian có thiên tai để nắm bắt chính xác diễn biến tình hình và kịp thời chỉ đạo các biện pháp giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất với cấp trên.
- Báo cáo nhanh: là báo cáo bằng văn bản do các cơ quan, đơn vị lập ngay sau khi kết thúc đợt thiên tai và gửi Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp trên để báo cáo về tình hình thiệt hại, tình trạng bị ảnh hưởng và phương án xử lý, đề xuất (nếu có).
- Báo cáo đột xuất: khi nhận được văn bản yêu cầu báo cáo đột xuất của các cơ quan phòng, chống thiên tai cấp trên thì các cơ quan, đơn vị nhận được văn bản có trách nhiệm báo cáo theo các nội dung và thời gian yêu cầu để phục vụ các nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai.
- Báo cáo định kỳ hàng năm thực hiện như sau:
+ Tên báo cáo: báo cáo công tác phòng, chống thiên tai;
+ Nội dung yêu cầu báo cáo: báo cáo năm về công tác phòng, chống thiên tai kèm theo Kế hoạch phòng, chống thiên tai của năm sau và những kiến nghị, đề xuất (nếu có);
+ Đối tượng thực hiện báo cáo: Cục Đường bộ Việt Nam;
+ Cơ quan nhận báo cáo: Ban chỉ huy phòng thủ dân sự Bộ Giao thông vận tải;
+ Phương thức gửi, nhận báo cáo: báo cáo được thể hiện dưới hình thức văn bản giấy hoặc văn bản điện tử. Báo cáo được gửi đến cơ quan nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau: gửi trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, fax, qua hệ thống thư điện tử hoặc các phương thức khác theo quy định của pháp luật;
+ Tần suất thực hiện báo cáo: định kỳ hàng năm;
+ Thời hạn gửi báo cáo: trước ngày 15/01 năm tiếp theo của kỳ báo cáo;
+ Thời gian chốt số liệu báo cáo: tính từ ngày 15/12 năm trước kỳ báo cáo đến ngày 14/12 của kỳ báo cáo;
+ Mẫu biểu số liệu báo cáo: theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 40/2024/TT-BGTVT.
Xem thêm Thông tư 40/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ 01/01/2025