Nhiều bộ ngành lạm dụng thông tư để cài lợi ích riêng

14/08/2014 08:12 AM

Làm thế nào để hạn chế tình trạng thông tư đẻ ra thêm nhiều quy định ngoài luật có lợi cho các bộ ngành quản lý nhưng lại gây khó dễ cho người dân và doanh nghiệp?

Câu chuyện cài cắm lợi ích trong thông tư đã được nhiều đại biểu đặt ra tại hội thảo Vai trò của doanh nghiệp trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) do Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tổ chức ngày 13-8.

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam, cho rằng do luật của Việt Nam xây dựng theo nguyên tắc luật khung nên nhiều điều phải có nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành dẫn đến tình trạng thông tư lại là văn bản có hiệu lực cao nhất. Điều đáng nói là trong quá trình lấy ý kiến góp ý dự thảo luật thì có tình trạng nội dung quan trọng lại bị loại bỏ. Nhiều văn bản không phù hợp với thực tế, nhiều quy định thiên về lợi ích cho cơ quan nhà nước gây khó cho người dân và doanh nghiệp nhưng chưa có trường hợp nào bị xử lý. “Vì vậy Luật Ban hành VBQPPL lần này phải ngăn chặn việc đưa lợi ích nhóm vào trong luật, nghị định, thông tư. Câu chuyện điển hình nhất là các điều kiện kinh doanh trước đây đã được loại bỏ thì nay lại được dịp tái xuất” - ông Tiền nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, cho biết nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng phàn nàn về tình trạng quá lạm dụng thông tư của các bộ, ngành. “Điều này đã làm triệt tiêu những tác động tích cực của các đạo luật hiện có. Đó cũng là cách thức mà các bộ, ngành thường lạm dụng để đưa vào những ý tưởng, lợi ích của ngành mình. Bởi vì quy trình ban hành thông tư hiện hành không được lấy ý kiến rộng rãi và cũng không được thẩm định chặt chẽ như ban hành luật nên nhiều vấn đề đụng chạm các bộ, ngành sợ đưa vào luật bị dư luận phản ứng nên đã đưa vào thông tư” - ông Tuấn nói.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế, cho rằng hiện nay nhiều biểu hiện cho thấy các nhóm lợi ích vận động, tác động đến chính sách khá nhiều. Quá trình xây dựng và ban hành các VBQPPL minh bạch đến đâu, dân chủ đến đâu đang là một vấn đề cần đặt ra. “Nếu quá trình này được minh bạch thì không sợ nhóm lợi ích can thiệp. Nếu quá trình này dân chủ thì cũng không sợ chính sách thiếu hơi thở cuộc sống. Làm được hai điều ấy thì luật Việt Nam sẽ không còn phức tạp nhất thế giới như bộ trưởng Bộ Tư pháp nhận định” - ông Huỳnh nhấn mạnh.

T.HẰNG

Theo Pháp luật TP

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,270

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079