3 chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5/2025 (Hình từ internet)
Theo đó, 3 chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 5/2025 bao gồm:
- Thông tư 07/2025/TT-BGDĐT quy định về liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và cơ sở giáo dục đại học nước ngoài trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
- Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non kèm Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.
- Nghị định 66/2025/NĐ-CP quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.
Căn cứ Điều 4 Thông tư 07/2025/TT-BGDĐT quy định tổ chức giảng dạy và học tập như sau:
- Người học theo học tập trung toàn thời gian tại cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hoặc tại cơ sở giáo dục đại học nước ngoài theo kế hoạch học tập ban hành trước khi bắt đầu khóa học. Việc tổ chức các lớp học trực tuyến phải tuân thủ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài về ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo trực tuyến.
- Việc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ để người học đạt trình độ ngoại ngữ đầu vào trước khi giảng dạy chính khóa được triển khai trong thời gian tối đa 12 tháng tính từ thời điểm người học được xác nhận trúng tuyển có điều kiện khi chưa đạt trình độ ngoại ngữ đầu vào của chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
- Cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tổ chức hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục đại học khác triển khai giảng dạy các môn học bắt buộc cho người học là công dân Việt Nam theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Kế hoạch giảng dạy; phân công giảng viên, người hướng dẫn đồ án, khóa luận, đề án, luận văn và luận án, cán bộ hỗ trợ học tập, cán bộ quản lý; tổ chức đăng ký học tập; tổ chức thi, kiểm tra, đánh giá, công nhận hoàn thành môn học hoặc học phần; hướng dẫn, đánh giá và bảo vệ đồ án, khóa luận, đề án, luận văn, luận án; bảo lưu kết quả học tập; nghỉ học tạm thời, rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học tập, buộc thôi học; công nhận tốt nghiệp, cấp văn bằng; xử lý vi phạm và những nội dung liên quan khác trong quá trình tổ chức đào tạo thực hiện theo quy định hiện hành của bên cấp bằng và thỏa thuận giữa hai bên.
- Giảng viên đang giảng dạy chương trình đào tạo tương ứng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài chủ trì và chịu trách nhiệm tổ chức giảng dạy không ít hơn 25% tổng khối lượng của chương trình liên kết đào tạo.
Căn cứ tại Điều 6 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT về phương thức tuyển sinh như sau:
- Cơ sở đào tạo quyết định một hoặc một số phương thức tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển), áp dụng chung cho cả cơ sở đào tạo hoặc áp dụng riêng cho một số chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo. Một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số phương thức tuyển sinh.
- Mỗi phương thức tuyển sinh phải quy định rõ các tiêu chí đánh giá, xét tuyển, cách thức tính điểm xét và xác định điều kiện trúng tuyển, trong đó:
+ Các tiêu chí chủ yếu dùng để đánh giá, xét tuyển phải dựa trên yêu cầu về kiến thức nền tảng và năng lực cốt lõi mà thí sinh cần có để theo học chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo;
+ Tổng điểm cộng, điểm thưởng, điểm khuyến khích (gọi chung là điểm cộng) đối với thí sinh có thành tích đặc biệt, thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét (tối đa 3 điểm đối với thang điểm 30);
+ Mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa của thang điểm xét, nhưng không thí sinh nào có điểm xét (tính cả các loại điểm cộng, điểm ưu tiên) vượt quá mức điểm tối đa này.
- Đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT và các kết quả đánh giá khác):
+ Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số tính điểm xét không dưới 25%; từ năm 2026 số môn chung của các tổ hợp phải đóng góp ít nhất 50% trọng số tính điểm xét;
+ Đối với các chứng chỉ ngoại ngữ được dùng để miễn thi tốt nghiệp THPT theo quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành, cơ sở đào tạo được quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển với trọng số tính điểm xét không vượt quá 50%;
+ Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh với trọng số tính điểm xét không dưới 25%.
- Đối với một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có nhiều phương thức tuyển sinh hoặc tổ hợp xét tuyển:
+ Cơ sở đào tạo phải xác định quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển của các phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển theo hướng dẫn thống nhất của Bộ GDĐT; bảo đảm tuyển chọn được các thí sinh đáp ứng tốt nhất yêu cầu đầu vào của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo;
+ Không quy định mã xét tuyển riêng, chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển, trừ việc quy định chỉ tiêu xét tuyển thẳng theo quy định tại Điều 8 Quy chế Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT.
- Cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về căn cứ khoa học và thực tiễn trong xác định phương thức tuyển sinh, phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm môn ngoại ngữ và quy tắc quy đổi tương đương ngưỡng đầu vào và điểm trúng tuyển; trong đó phải dựa trên số liệu phân tích, đánh giá và đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển các năm trước.
Theo Điều 6 Nghị định 66/2025/NĐ-CP thì mức hưởng chính sách đối với trẻ em nhà trẻ bán trú, học sinh bán trú, học viên bán trú, học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học được quy định như sau:
- Chính sách đối với trẻ em nhà trẻ bán trú
Hỗ trợ tiền ăn trưa: Mỗi trẻ em nhà trẻ được hỗ trợ mỗi tháng là 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.
- Chính sách đối với học sinh bán trú và học viên bán trú
+ Hỗ trợ tiền ăn: Mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng là 936.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;
+ Hỗ trợ tiền nhà ở: Mỗi học sinh bán trú, học viên bán trú phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí chỗ ở trong trường hoặc học sinh lớp 1, lớp 2, học sinh khuyết tật có nhu cầu tự túc chỗ ở gần trường để người thân chăm sóc thì mỗi tháng được hỗ trợ 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;
+ Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;
+ Học sinh bán trú lớp 1 là người dân tộc thiểu số có học tiếng Việt trước khi vào học chương trình lớp 1 thì được hưởng thêm 01 tháng các chính sách quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 6 Nghị định 66/2025/NĐ-CP.
- Chính sách đối với học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học
+ Học bổng chính sách:
Quy định tại Điều 9 Nghị định 84/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục 2019;
+ Khen thưởng:
Trong năm học, học sinh đạt danh hiệu “Học sinh Xuất sắc” được thưởng 800.000 đồng/học sinh; học sinh đạt danh hiệu “Học sinh Giỏi” được thưởng 600.000 đồng/học sinh;
+ Trang cấp đồ dùng cá nhân và học phẩm:
Học sinh dân tộc nội trú ở mỗi cấp học và học sinh dự bị đại học được cấp một lần bằng hiện vật: Chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh;
Mỗi năm học, học sinh được cấp 02 bộ quần áo đồng phục và học phẩm gồm: Vở, giấy, bút và các dụng cụ học tập khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh;
+ Tiền tàu xe:
Học sinh dân tộc nội trú được cấp tiền tàu xe 02 lần vào dịp tết nguyên đán và dịp nghỉ hè (cả lượt đi và lượt về) theo giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng (trường hợp địa bàn không có phương tiện giao thông công cộng thì được tính theo quãng đường và giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn tương đồng khác của tỉnh). Học sinh dự bị đại học và học sinh dân tộc nội trú cuối cấp chỉ được cấp tiền tàu xe một lần vào dịp tết nguyên đán (cả lượt đi và lượt về);
+ Hỗ trợ gạo:
Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.
Nguyễn Tùng Lâm