Công điện 47: Giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

26/04/2025 18:10 PM

Công điện 47: Giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Công điện 47: Giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Ngày 22/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 47/CĐ-TTg năm 2025 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025. 

Theo nội dung Công điện 47/CĐ-TTg năm 2025, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt 8% trở lên và hai con số trong những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

(1) Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Kết luận 123-KL/TW ngày 24 tháng 01 năm 2025 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết 192/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về các chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và giai đoạn 2021-2025.

(2) Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế

(3) Tiếp tục làm mới, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống về: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

(4) Khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới; đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số

(5) Huy động tối đa các nguồn lực xã hội cho phát triển.

(6) Giao các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ theo lĩnh vực được phân công trực tiếp chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Công điện này; kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền.

(7) Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề vượt thẩm quyền.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế nào theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ nêu tại Công điện 47? 

Căn cứ theo Mục 2 Công điện 47/CĐ-TTg năm 2025, thực hiện ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế như sau: 

(1) Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao:

- Chủ động bám sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, hiệu quả, chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, không để bị động, bất ngờ. Trong đó cần triển khai ngay các giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ.

- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết 25/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2025; đặc biệt 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP quý I năm 2025 theo kịch bản đề ra phối hợp với Bộ Tài chính làm rõ nguyên nhân để có giải pháp đột phá, khả thi, tăng tốc phát triển trong các tháng, quý tiếp theo của năm 2025.

(2) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương:

- Hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2025 của Chính phủ, trình Chính phủ trước ngày 25 tháng 4 năm 2025; trong đó điều chỉnh kịch bản tăng trưởng quý II và các quý còn lại của năm 2025, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên.

- Rà soát, đánh giá tác động từ chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ đối với Việt Nam; xây dựng các chính sách hỗ trợ về tài khóa đối với doanh: nghiệp, người lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 4 năm 2025.

(3) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

- Theo dõi chặt chẽ tình hình quốc tế, khu vực, việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn; sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; giữ vững ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

- Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; đẩy mạnh cho vay ngắn hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.

- Khẩn trương nghiên cứu, kêu gọi các ngân hàng khẩn trương chung tay xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà, gói tín dụng ưu đãi khoảng 500 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số vay dài hạn. Mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia gói tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đồ gỗ bị tác động bởi chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ.

Quy định về cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thương mại ra sao? 

Căn cứ theo Điều 8 Luật Thương mại 2005 quy định: 

Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thương mại

“1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động thương mại.

2. Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động thương mại cụ thể được quy định tại Luật này.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện việc quản lý nhà nước về các hoạt động thương mại trong lĩnh vực được phân công.

4. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước về các hoạt động thương mại tại địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ.”

Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thương mại bao gồm: 

- Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động thương mại.

- Bộ Thương mại chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện việc quản lý nhà nước về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động thương mại cụ thể được quy định tại Luật này.

- Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện việc quản lý nhà nước về các hoạt động thương mại trong lĩnh vực được phân công.

- Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý nhà nước về các hoạt động thương mại tại địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ.

Khánh Phương

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 6

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079