Nguy cơ dịch Ebola vào Việt Nam là rất cao

14/10/2014 09:38 AM

Trong cuộc họp khẩn của Bộ Y tế với Trung tâm Kiểm soát và phòng, chống bệnh tật Mỹ (CDC) vào chiều 13-10, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết đến thời điểm này Việt Nam chưa xuất hiện trường hợp nào nhiễm virus Ebola.

Tuy nhiên, do Việt Nam đang có nhiều công dân sống và làm việc tại những quốc gia có dịch nên khả năng lây nhiễm rất cao thông qua người lao động về nước hoặc hành khách nhập cảnh từng qua vùng có dịch. 

Bộ Y tế nhận định nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam gây bùng phát thành dịch tại cộng đồng bất cứ lúc nào. Vì vậy không thể lơ là trong công tác phòng, chống để có thể chặn dịch ngay từ cửa khẩu.

Đột ngột bùng phát dữ dội từ giữa năm 2014 và âm ỉ đến nay, virus Ebola đã tạo nên một thảm họa hãi hùng khi tước đoạt sinh mạng của hơn 4.000 người. Ảnh minh họa: BBC

Bộ Y tế đưa ra ba kịch bản đối phó với dịch bệnh này. Đó là: 1) Khi chưa ghi nhận ca bệnh; 2) Đã xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam; và 3) Dịch lây lan trong cộng đồng. 

“Hiện nay, Việt Nam đang ở trong tình huống 1 nhưng trước đó Bộ Y tế đã kích hoạt một số hoạt động ở tình huống 2 để đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này” - ông Phu nói.

Bộ Y tế vẫn tiếp tục chỉ đạo các địa phương, nhất là các địa phương có cửa khẩu quốc tế (cả hàng không và trên bộ) tăng cường công tác giám sát, dự phòng, tăng cường giám sát phát hiện tại cửa khẩu, thực hiện việc kiểm tra sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola tại khu vực cửa khẩu để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan vào Việt Nam. 

Áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu quốc tế đối với hành khách nhập cảnh từ vùng dịch bệnh, đồng thời giám sát tại cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Cách phát hiện và ứng phó Ebola

Biện pháp phòng bệnh hữu hiệu là thực hành vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng, dung dịch sát khuẩn. Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, các vật dụng của người, động vật nhiễm bệnh hoặc các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh. Hạn chế đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh.

Những người trở về từ các quốc gia vùng có dịch trong vòng 21 ngày nếu có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, phát ban... hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm.

(Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

 NGỌC BẢO

Theo Plo.vn

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,978

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079