Đề xuất phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao (Hình từ Internet)
Toà án nhân dân tối cao đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về các Tòa Phúc thẩm, cục, vụ và tương đương, cơ quan báo chí của Tòa án nhân dân tối cao; quy định phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị quyết).
![]() |
Dự thảo Nghị quyết |
Theo Điều 2 dự thảo Nghị quyết đề xuất về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao như sau:
(1) Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng; các tỉnh: Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Thái Nguyên, Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
(2) Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 07 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: thành phố Đà Nẵng, thành phố Huế; các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Đắk Lắk.
(3) Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ đối với 09 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ; các tỉnh: Đồng Nai, Tây Ninh, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, An Giang.
Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất về việc phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về các Tòa Phúc thẩm, cục, vụ và tương đương, cơ quan báo chí của Tòa án nhân dân tối cao của UBTVQH như sau:
- Các Tòa Phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao gồm có:
+ Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội;
+ Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng;
+ Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
- Các cục, vụ và tương đương của Tòa án nhân dân tối cao gồm có:
+ Văn phòng;
+ Cục Kế hoạch - Tài chính;
+ Cục Công nghệ thông tin;
+ Vụ Giám đốc, kiểm tra về hình sự;
+ Vụ Giám đốc, kiểm tra về dân sự;
+ Vụ Giám đốc, kiểm tra về kinh doanh - thương mại, phá sản, lao động, gia đình và người chưa thành niên;
+ Vụ Giám đốc, kiểm tra về hành chính;
+ Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học;
+ Vụ Tổ chức - Cán bộ:
+ Vụ Hợp tác quốc tế;
+ Thanh tra Tòa án nhân dân tối cao.
- Cơ quan báo chí của Tòa án nhân dân tối cao gồm có:
+ Báo Công lý;
+ Tạp chí Tòa án nhân dân.
- Tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 1 dự thảo Nghị quyết do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định.
Dự thảo Nghị quyết được đề xuất có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Theo Điều 4 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 quy định về tổ chức và thẩm quyền thành lập, giải thể các Tòa án nhân dân như sau:
- Tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm:
+ Tòa án nhân dân tối cao;
+ Tòa án nhân dân cấp cao;
+ Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
+ Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;
+ Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt);
+ Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực (sau đây gọi chung là Tòa án quân sự).
- Thẩm quyền thành lập, giải thể Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt và Tòa án quân sự được quy định như sau:
+ Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể và quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; thành lập, giải thể Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
+ Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể và quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.