Mức phạt không duy trì hoạt động của hệ thống báo cháy từ 01/7/2025

22/05/2025 16:00 PM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về mức phạt không duy trì hoạt động của hệ thống báo cháy từ 01/7/2025.

Mức phạt không duy trì hoạt động của hệ thống báo cháy từ 01/7/2025 (Hình từ internet)

Ngày 15/5/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 106/2025/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Mức phạt không duy trì hoạt động của hệ thống báo cháy từ 01/7/2025

Mức phạt hành vi vi phạm quy định về sử dụng phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ quy định tại Điều 21 Nghị định 106/2025/NĐ-CP như sau: 

(1) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tự ý di chuyển, che khuất phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đã được trang bị, lắp đặt.

(2) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không duy trì đủ số lượng hoặc không bảo đảm chất lượng của phương tiện chữa cháy thông dụng, dụng cụ phá dỡ thô sơ đã được trang bị, lắp đặt.

(3) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

(i) Không duy trì hoạt động của đèn, phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn đã được trang bị, lắp đặt;

(ii) Không duy trì hoạt động của thiết bị báo cháy độc lập đã được trang bị, lắp đặt.

(4) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

(i) Không duy trì hoạt động của thiết bị thuộc hệ thống báo cháy đã được trang bị, lắp đặt;

(ii) Không duy trì hoạt động của thiết bị thuộc hệ thống chữa cháy đã được trang bị, lắp đặt.

(5) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không đưa phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cơ giới vào trực chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

(6) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

(i) Không duy trì hoạt động của hệ thống báo cháy đã được trang bị, lắp đặt;

(ii) Không duy trì hoạt động của hệ thống chữa cháy đã được trang bị, lắp đặt.

Lưu ý: Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với các hành vi quy định tại các khoản (2), (3), (4) và khoản (5) khi để xảy ra cháy nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài phạt tiền người vi phạm còn bị đình chỉ hoạt động từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản (6).

Đồng thời, phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sau:

- Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản (1);

- Buộc duy trì đủ số lượng, bảo đảm chất lượng phương tiện chữa cháy thông dụng, dụng cụ phá dỡ thô sơ đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản (2);

- Buộc duy trì đèn, phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm (i) khoản (3);

- Buộc duy trì thiết bị báo cháy độc lập đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm (ii) khoản (3);

- Buộc duy trì hệ thống báo cháy đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm (i) khoản (4), điểm (i) khoản (6);

- Buộc duy trì hệ thống chữa cháy đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm (ii) khoản (4), điểm (ii) khoản (6).

Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt đối với cá nhân, tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân. (Điều 4 Nghị định 106/2025/NĐ-CP)

Nguyên tắc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ từ 01/7/2025

Phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phải đảm bảo nguyên tắc sau đây: 

- Tuân thủ Hiến pháp 2013, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế thì hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại hoặc yêu cầu đối ngoại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.

- Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Chủ động phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính; kịp thời phát hiện sơ hở, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy và có biện pháp khắc phục; xác định phòng cháy, phòng ngừa tai nạn, sự cố là nhiệm vụ thường xuyên.

- Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện cần thiết để kịp thời chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

- Thống nhất chỉ huy, điều hành, phát huy vai trò của lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ khi xảy ra cháy, tai nạn, sự cố; ưu tiên cứu người, cứu tài sản; mọi nguồn nước, chất chữa cháy phải được ưu tiên sử dụng cho chữa cháy.

- Ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

- Mọi hành vi vi phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

- Bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, bình đẳng giới trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

(Điều 5 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024)

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079