Căn cứ thu hồi tài sản do tham nhũng tiêu cực từ 30/4/2025 (Hình từ internet)
Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 287-QĐ/TW ngày 30/4/2025 về thu hồi tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được phát hiện qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
![]() |
Quy định 287-QĐ/TW |
Căn cứ thu hồi tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được quy định tại Điều 4 Quy định 287-QĐ/TW như sau:
- Kết luận kiểm tra, giám sát, giải quyết tố cáo của cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra, cụ thể:
+ Thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, kiểm tra tài chính đảng.
+ Thông báo kết luận giám sát chuyên đề.
+ Thông báo kết luận giải quyết tố cáo tổ chức đảng, đảng viên.
- Kết luận kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập của cơ quan có thẩm quyền.
- Quyết định thu hồi tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (nếu có).
- Tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động báo cáo xin khắc phục hoặc nộp lại tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cụ thể:
+ Tổ chức đảng, đảng viên và các tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động báo cáo và tự giác nộp lại tài sản đã nhận do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trước khi bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, kết luận.
+ Chủ động nộp tài sản khắc phục hậu quả do vi phạm dẫn đến thiệt hại tài sản của Nhà nước.
Thu hồi tài sản do tham nhũng tiêu cực phải đảm bảo theo nguyên tắc sau đây:
- Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, chặt chẽ, toàn diện của Đảng đối với việc kiểm tra, giám sát, xác minh và thu hồi tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát huy vai trò giám sát của các cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc thu hồi tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
- Bảo đảm kết luận kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả; thu hồi tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định cùng với quá trình xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; tài sản sau khi thu hồi phải được quản lý, bảo quản, sử dụng theo đúng quy định.
- Phát huy tinh thần gương mẫu, tự giác, trung thực của cán bộ, đảng viên. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh hành vi che giấu, huỷ hoại, tẩu tán, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng của tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
- Bảo đảm thu hồi kịp thời tài sản do tham nhũng, lãng phí, tiêu cực mà tổ chức đảng, đảng viên và tổ chức, cá nhân liên quan chủ động, tự giác nộp để khắc phục hậu quả hoặc chờ xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 7 Luật phòng chống tham nhũng 2018 quy định về giám sát công tác phòng chống tham nhũng như sau:
- Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát công tác phòng chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.
- Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát công tác phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực do mình phụ trách.
- Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc phát hiện và xử lý tham nhũng.
- Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát công tác phòng chống tham nhũng.
- Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát công tác phòng chống tham nhũng tại địa phương.