Lý do bãi bỏ hình phạt tử hình với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ (Công văn 3409/VKSND-V14) (Hình từ Internet)
Ngày 24/7/2025, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Công văn 3409/VKSND-V14 về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương cũ (nay là thành phố Hải Phòng mới) gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
![]() |
Công văn 3409/VKSND-V14 |
Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hải Dương cũ (nay là thành phố Hải Phòng mới) do Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội chuyển đến theo Công văn 602/UBDNGS15 ngày 21/5/2025, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trả lời như sau:
Kiến nghị số 6: Đối với các tội phạm về tham nhũng, cử tri bày tỏ mong muốn giữ nguyên hình phạt tử hình để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung; đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện chính sách xử lý nghiêm minh đối với loại tội phạm này.
Theo đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có nội dung trả lời như sau:
Ngày 25/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khoá XV, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, trong đó, tại Điều 353 và Điều 354 đã bỏ án tử hình đối với tội Tham ô tài sản và tội Nhận hối lộ trong Bộ luật Hình sự trên cơ sở những căn cứ sau:
(1) Nhằm cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về thu hẹp hình phạt tử hình, trên cơ sở kế thừa tỉnh thần thu hẹp dần hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự qua các lần sửa đổi, bổ sung;
(2) Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề như: tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; tầm quan trọng của khách thể bảo vệ; khả năng khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; căn cứ kết quả tổng kết công tác thi hành Bộ luật Hình sự, nhiều tội danh có quy định về hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trên thực tế thời gian qua;... Ngoài ra, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hiện nay, xu hướng về việc giảm hình phạt tử hình trong quy định của pháp luật cũng như thực tế thi hành trên thế giới là phổ biến. Trong 193 quốc gia là thành viên của Liên hợp quốc chỉ còn hơn 50 quốc gia quy định về hình phạt tử hình.
Mặt khác, trách nhiệm, nghĩa vụ của Việt Nam khi là thành viên của các điều ước quốc tế có liên quan, đặc biệt tại khoản 2 Điều 6 Công ước của Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị xác định: “Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ thì chỉ được phép áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất". Căn cứ hoạt động hợp tác quốc tế của nước ta, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang mở rộng hợp tác quốc tế một cách sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, việc xây dựng hệ thống pháp luật tương đồng với đa số các nước trên thế giới nhất là loại bỏ dần hình phạt tử hình, sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các quan hệ hợp tác ngày càng bền chặt và tin tưởng lẫn nhau.
Vì các lý do nêu trên, Quốc hội đã bãi bỏ hình phạt tử hình đối với tội Tham ô tài sản và tội Nhận hối lộ trong Bộ luật Hình sự. Đồng thời, để bảo đảm thu hồi tài sản do phạm tội mà có, đồng thời khuyến khích người phạm tội tích cực khai báo trong quá trình giải quyết vụ án nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm minh, khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự đã bổ sung khoản 1 Điều 63 Bộ luật Hình sự quy định như sau:
“Người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ chỉ có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn".
Trên đây là trả lời của Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với kiến nghị của cử tri, trân trọng kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũ (nay là thành phố Hải Phòng mới) để trả lời cử tri.
Xem thêm tại Công văn 3409/VKSND-V14 ban hành ngày 24/7/2025.