Có nên giao cấp xã được ban hành VBQPPL?

16/04/2015 07:59 AM

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra sáng 15/4, bên cạnh các ý kiến đề nghị quy định chính quyền cấp xã không được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì vẫn có không ít ý kiến cho rằng, cấp xã phải có thẩm quyền này.

Ảnh: VGP/Thành Chung

Cấp xã còn thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không là một nội dung thuộc dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhận được khá nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.

Trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, chính quyền cấp xã vẫn có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong dự thảo báo cáo (trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 sắp tới) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có 3 loại ý kiến về vấn đề này. Có ý kiến đề nghị giao cho chính quyền cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Có ý kiến đề nghị chỉ giao cho chính quyền cấp huyện ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Một số ý kiến khác đề nghị không giao cho chính quyền cấp huyện, cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tiếp thu các ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến đề nghị Quốc hội không quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã. Lý do là đây là cấp cơ sở có trách nhiệm triển khai thực hiện pháp luật, do đó không nên giao cho cấp này thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Hơn nữa, qua khảo sát thực tế cho thấy, mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2004 giao cho cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng thực tiễn cho thấy, có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành là sao chép lại văn bản của cơ quan Nhà nước cấp trên, thậm chí không đúng với văn bản của cơ quan cấp trên...

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên cũng có những ý kiến không đồng tình việc “tước” quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Ủy ban Tư pháp) cho rằng vẫn phải giao cho chính quyền các cấp, trong đó có cả cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng chỉ có tính chất là tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cấp trên để đảm bảo phù hợp với tình hình của mỗi địa phương, cơ sở.

Còn những nội dung về hướng dẫn thực hiện pháp luật thì không nên giao cho các cấp chính quyền mà nên giao cho các Bộ, ngành ở Trung ương thực hiện. Và lúc này Chính phủ phải là cơ quan quy định chi tiết các nội dung luật, chứ không còn là các Bộ, ngành nữa.

Khái quát lại nội dung thảo luận này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu - người điều hành phiên thảo luận nhấn mạnh quan điểm “đã là cơ quan quyền lực Nhà nước, được giao quản lý Nhà nước theo đơn vị hành chính lãnh thổ đều có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên luật này sẽ phải quy định rõ nội dung gì thuộc thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã, bảo đảm hợp Hiến, hợp pháp”.

Thành Chung

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,090

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079