Các trưởng đoàn đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran chụp ảnh chung tại trụ sở LHQ ở Vienna, Áo, ngày 14-7. Ảnh: AFP |
Cùng ngày, một quan chức cấp cao khác trong chính quyền Mỹ cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ trao đổi với lãnh đạo các nước có quan điểm ngờ vực về thỏa thuận hạt nhân với Iran, cụ thể là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Quốc vương Ả-rập Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud.
Ngày 14-7, Thủ tướng Israel Netanyahu gọi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 là "một sai lầm lịch sử". Ông Netanyahu tuyên bố Israel không bị ràng buộc với thỏa thuận hạt nhân này và "sẽ luôn tự bảo vệ mình".
Trong khi đó, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) hoan nghênh thỏa luận lịch sử giữa Iran và các cường quốc, khẳng định thỏa thuận này có thể mở ra "trang mới" cho vùng Vịnh, giúp khu vực giải quyết mối bất hòa về chia rẽ bè phái và khủng bố cực đoan.
EU gia hạn lệnh tạm ngưng trừng phạt Iran đến tháng 1-2016
Ngày 14-7, Liên minh châu Âu (EU) quyết định gia hạn lệnh tạm ngưng các biện pháp trừng phạt Iran thêm 6 tháng (đến ngày 14-1-2016) sau khi nước này và nhóm P5+1 đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử.
Thông báo của Hội đồng châu Âu nêu rõ: “Điều này sẽ cho phép EU tiến hành những dàn xếp cần thiết và chuẩn bị cho việc thực thi Kế hoạch hành động toàn diện chung mới”.
Trước đó, EU từng vài lần gia hạn lệnh tạm ngưng trừng phạt Iran để có thêm thời gian cho các cuộc đàm phán ở Vienna.
Nền kinh tế Iran có thể khởi sắc sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ
Iran, với trữ lượng dầu thô lớn thứ tư thế giới, đã sản xuất được 2,8 triệu thùng dầu/ngày trong năm nay. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh cho biết ngay sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, Iran có thể đưa thêm 500.000 thùng dầu/ngày ra thị trường thế giới đang thặng dư dầu mỏ, và thêm 500.000 thùng dầu/ngày trong 6 tháng sau đó. Tập đoàn dầu BP (Anh) ước tính trữ lượng dầu mỏ của Iran khoảng gần 158 tỉ thùng, đủ sức cung ứng cho Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, trong 40 năm.
Hai công ty năng lượng lớn của châu Âu, Eni (Ý) và Total (Pháp), đã hoạt động tại Iran trước khi có các biện pháp trừng phạt cho biết đang háo hức quay lại. BP, Royal Dutch Shell và Exxon Mobil cũng bày tỏ sự quan tâm đối với hoạt động sản xuất dầu của Iran.
Việc dỡ bỏ các biện pháp này có thể khiến nền kinh tế Iran khởi sắc, mở cửa cho đầu tư quốc tế mới và chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ của Iran.
Các công ty lớn của nước ngoài đang nhắm tới những thương vụ với chính phủ Iran, với 80 triệu người tiêu dùng của nước này. Bộ trưởng Giao thông Iran cho biết nước này cần thay thế 400 máy bay phản lực đã cũ kỹ trong 10 năm tới với chi phí ít nhất là 20 tỉ đô la Mỹ. Thỏa thuận tại Vienna sẽ giải phóng 100 tỉ đô la Mỹ của Iran trong các tài khoản ở nước ngoài bị phong tỏa.
Các hãng xe Renault và Peugeot cũng đã khởi động lại các cuộc thương thảo với các đối tác Iran để nối lại các thương vụ.
Các sản phẩm sữa của châu Âu cũng có thể được bán lại tại Iran. Euromonitor dự đoán doanh số bán sữa có thể đạt 28 tỉ đô la Mỹ đến năm 2020, tăng gấp 9 lần so với năm 2010.
Ngay sau khi Iran và các cường quốc đạt thỏa thuận, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng kinh tế và năng lượng Đức Sigmar Gabriel lên kế hoạch thăm Iran từ ngày 18-7 đến 20-7. Cùng đi với ông Gabriel có Chủ tịch Phòng công nghiệp và thương mại Đức Eric Schweitzer. Theo đánh giá của các chuyên gia, một khi các lệnh trừng phạt với Iran được dỡ bỏ, những năm tới, kim ngạch thương mại hai chiều Đức-Iran có thể nhảy vọt từ 2,4 tỉ euro (2,6 tỉ đô la Mỹ) năm ngoái lên hơn 10 tỉ euro/năm.
Phúc Minh
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online