Chính sách mới >> Quốc tế 25/02/2016 14:46 PM

Phản đối Trung Quốc phải mạnh mẽ hơn

25/02/2016 14:46 PM

Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các hành động đe dọa từ phía Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Chiều 24-2, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho rằng mặc dù Trung Quốc luôn có những lời nói bày tỏ sự yêu chuộng hòa bình cũng như không quân sự hóa biển Đông nhưng hành động của họ hoàn toàn trái ngược.

Muốn biến biển Đông thành “ao nhà”

Theo ông Rinh, việc đưa tên lửa, máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm cũng như hàng loạt hành động trước đó ở 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam là hành động quân sự hóa nhằm biến biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc. Đây là việc làm cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc khi vi phạm những thỏa thuận quốc tế mà nước này đã ký kết như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) gây sự bất bình cho các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

phản đối trung quốc

Ảnh lớn: Đường băng và nhà chứa máy bay trên đảo Phú Lâm Ảnh: STRATFOR Ảnh nhỏ: Máy bay chiến đấu Shenyang J-11 Ảnh: NEWS.COM.AU

TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ, cho rằng đây là một bước đi trong chủ trương quân sự hóa của Trung Quốc để thực hiện tham vọng khống chế và tiến tới độc chiếm biển Đông. Việc đưa tên lửa hay xây dựng đường băng rồi đưa tàu chiến, máy bay ra đảo Phú Lâm rõ ràng là điều mà không ai lạ, bởi trước sau gì Trung Quốc cũng sẽ làm vì đây là dã tâm của họ.

“Việc Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm trong bối cảnh các nước ASEAN và Mỹ đang có cuộc họp thượng đỉnh vừa qua là một sự thách thức, đe dọa nghiêm trọng và điên cuồng của Trung Quốc để phản ứng trước cuộc họp thượng đỉnh ASEAN - Mỹ” - ông Trục nhận định.

Cũng theo TS Trần Công Trục, Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương trong việc khống chế đi lại của quốc tế mà Trung Quốc bấy lâu thực hiện, tìm mọi cách để biến kế hoạch công bố vùng nhận dạng phòng không(ADIZ) trên biển Đông. Điều này một lần nữa chứng tỏ Trung Quốc bất chấp ý nguyện, quan hệ ngoại giao, luật pháp quốc tế; sẵn sàng bất chấp tất cả để nhằm đạt được tham vọng của mình.

“Đó là nguy cơ của một mối đe dọa, một cuộc xung đột có thể diễn ra nếu cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước lớn, không có một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn hành động này của Trung Quốc” - ông Trục nói.

Trị ung thư không thể dùng cù là

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, khẳng định việc Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu ra quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn không phải là một hành động đơn lẻ hay mục đích riêng lẻ mà là nằm trong chuỗi kế hoạch liên tục “leo thang”, được Trung Quốc chuẩn bị từ lâu, nhằm lấn từng bước một để thực hiện dã tâm độc chiếm 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và biển Đông.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng chiến thuật của Trung Quốc rất nham hiểm khi vừa dân sự hóa, quân sự hóa ở khu vực biển Đông. Trung Quốc không dùng sức mạnh tổng lực để chiếm một lúc khi bối cảnh thế giới hiện nay không cho phép mà cứ lấn dần từng bước. Khi bị đấu tranh, phản ứng thì tạm lùi, sau đó lại tìm cách lấn tiếp.

“Việc đưa tên lửa đất đối không, máy bay quân sự ra đảo Phú Lâm đánh dấu bước đi đầu tiên của Trung Quốc trong chiến lược quân sự hóa biển Đông rồi tiến tới quân sự hóa toàn bộ khu biển Đông, khống chế khu vực biển Đông bằng lực lượng quân sự. Nên nhớ, hệ thống tên lửa này với tầm hoạt động 200 km, mục đích chính là để khống chế Việt Nam và các đảo của Việt Nam chứ còn ai nữa” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói.

Để chuẩn bị cho động thái này, trước đó, Trung Quốc cũng đã nhiều lần đưa máy bay dân sự, người dân ra các đảo, để thế giới dần quen với các động thái của họ ở biển Đông. Và, nếu quốc tế cũng như các nước trong khu vực không có hành động quyết liệt thì Trung Quốc sẽ tìm cách lấn tới để độc chiếm biển Đông. Bây giờ, Trung Quốc mới đưa tên lửa, máy bay chiến đấu nhưng không loại trừ trong tương lai sẽ đưa ra 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cả một hạm đội với trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại. Rõ ràng, tham vọng và hành động của Trung Quốc không chỉ nguy hiểm, đe dọa tới riêng Việt Nam hay Philippines, cũng không chỉ với riêng khu vực ASEAN mà là mối đe dọa với an ninh toàn cầu.

“Mặc dù chúng ta đã lên tiếng phản đối, lên án hành động Trung Quốc mang tên lửa ra đảo Phú Lâm nhưng họ lại tiếp tục đưa máy bay chiến đấu ra. Rõ ràng không phải họ mang những thứ này ra để chơi ở biển Đông” - Trung tướng Thước nhấn mạnh.

Từ những phân tích nêu trên, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ: Mối đe dọa của Trung Quốc ở biển Đông là rất rõ ràng. Chúng ta phải đấu tranh, phản đối mạnh mẽ hơn nữa.

“Chữa cảm cúm thì có thể dùng dầu cù là, còn trị ung thư thì phải cần phác đồ mạnh hơn chứ không thể dùng dầu cù là. Trung Quốc đang có dã tâm rất lớn. Vì vậy, Việt Nam cần phải cùng với các nước trên thế giới để kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi các hành động bá quyền nhằm độc chiếm biển Đông từ phía Trung Quốc. Việc đẩy lùi hành động của Trung Quốc không phải bằng hành động vũ trang mà là bằng các biện pháp hòa bình trên mặt trận ngoại giao, chính trị và pháp lý” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cũng khẳng định Việt Nam và các nước cần phản đối kiên quyết, mạnh mẽ hành động của Trung Quốc thông qua biện pháp hòa bình và luật pháp quốc tế.

Tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển

Báo cáo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ hoạt động đối ngoại đã phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh, kinh tế, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, chủ quyền lãnh thổ biển đảo; xử lý hiệu quả quan hệ với các nước, đặc biệt là với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện. Trong bối cảnh tình hình biển Đông diễn biến rất phức tạp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành triển khai triệt để các biện pháp chính trị - ngoại giao, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biển đảo; vận động cộng đồng quốc tế và nhiều đối tác trong và ngoài khu vực ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nỗ lực góp phần thống nhất lập trường ASEAN trong đấu tranh bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC và xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC).

Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; thường xuyên chỉ đạo, nắm chắc tình hình, đề xuất đường lối, chính sách và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, quốc phòng; phối hợp chặt chẽ với công tác đối ngoại; chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống phức tạp, nhạy cảm, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia. Tăng cường lực lượng thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ an toàn các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, sửa chữa, nâng cấp các nhà giàn DK1 trên thềm lục địa. Thực hiện tốt chủ trương ổn định và nâng cao đời sống của người dân trên các đảo của quần đảo Trường Sa. T.Dũng

Đừng để lửa lan rộng!

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng hành động quân sự hóa biển Đông của Trung Quốc đang đe dọa an ninh khu vực, trong đó Việt Nam là bị đe dọa trực tiếp ở cấp độ một, tiếp đó là các nước Đông Nam Á và các nước chống lại ý đồ bành trướng của Trung Quốc.

“Có ngăn chặn được dã tâm bành trướng của Trung Quốc hay không, phụ thuộc vào thái độ của thế giới như thế nào bởi chắc chắn Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới và tiếp tục leo thang. Cộng đồng quốc tế, các nước có liên quan cũng như Việt Nam phải hành động quyết liệt hơn, đấu tranh mạnh mẽ hơn để ngăn chặn hành động phi pháp này của Trung Quốc, không thể đấu tranh khơi khơi được. Nếu không, đến khi lửa đã lan rộng và đốt cháy gần hết cả nhà rồi mới mang nước đi dập thì chẳng có tác dụng gì nữa đâu” - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bày tỏ.

Văn Duẩn

Theo Người lao động

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,517

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079