Trong bài phát biểu sáng 24-6 (giờ địa phương), ông David Cameron nói ông sẽ tại vị cho vài tháng tới. Đến tháng 10 năm nay, đại hội đảng Bảo thủ được tổ chức sẽ chọn ra thủ tướng mới.
“Tôi nghĩ đất nước cần một sự lãnh đạo mới mẻ để dẫn dắt đi theo hướng này (rời EU). Tôi nghĩ sẽ không phù hợp nếu tôi cố gắng ở lại vị trí người cầm lái" - ông nói.
Bản thân ông Cameron là người vận động nước Anh ở lại EU.
Bà Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng Mặt trận Dân tộc Pháp. Ảnh: AP
Việc Anh quyết định rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) hôm 24-6 làm dấy lên lo ngại khả năng xảy ra hiệu ứng domino thúc đẩy các thành viên khác cũng rời khỏi khối này.
Động thái trên có khả năng gây ảnh hưởng đến tính thống nhất của EU, vốn đang phải vật lộn với khủng hoảng kép về vấn đề kinh tế và làn sóng tị nạn.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cảnh báo Brexit (thuật ngữ chỉ việc Anh rời khỏi EU) là một cú sốc đòi hỏi phải có hành động nhanh chóng nhằm ngăn chặn sự “tan rã” của khối.
Không lâu sau kết quả trưng cầu dân ý ở Anh được công bố, lãnh đạo ở Pháp, Hà Lan, Ý, và Bắc Ireland kêu gọi trưng cầu dân ý trong nước. Bà Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng Mặt trận Dân tộc Pháp, chia sẻ trên mạng xã hội Twitter rằng: “Chiến thắng của sự tự do. Như tôi đã nói nhiều năm qua, chúng ta nên có cuộc trưng cầu dân ý tương tự tại Pháp cũng như các nước EU khác”.
Ông Geert Wilders, chính trị gia Hà Lan chống nhập cư, cho rằng Hà Lan xứng đáng có cuộc bỏ phiếu “Nexit” (thuật ngữ chỉ việc Hà Lan rời khỏi EU). Thủ lĩnh đảng Tự do Hà Lan cho hay: “Chúng ta phải làm chủ đất nước, tiền bạc, biên giới và chính sách nhập cư của chính mình. Người Hà Lan cần phải có tiếng nói của riêng mình càng sớm càng tốt về tư cách thành viên của Hà Lan ở EU”.
Ông Geert Wilders, chính trị gia Hà Lan chống nhập cư. Ảnh: Reuters
Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy 54% người dân Hà Lan muốn chính phủ tổ chức cuộc trưng cầu dân ý. Khả năng cuộc bỏ phiếu càng có thể xảy ra khi ông Wilders đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò về việc giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Hà Lan. Lãnh đạo này tuyên bố: “Nếu tôi trở thành thủ tướng, sẽ có cuộc trưng cầu dân ý ở Hà Lan về việc rời khỏi EU. Hãy để người dân quyết định”.
Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz cho rằng EU vẫn sẽ sống sót khi Anh “vứt áo ra đi” nhưng hiệu ứng domino ở các nước khác là không thể tránh khỏi”.
Xuân Mai (Theo BBC)
Theo Người lao động