Chính sách mới >> Quốc tế 15/04/2013 09:36 AM

Việt Nam được công nhận là thành viên chính thức Hội nghị La Hay

15/04/2013 09:36 AM

Việt Nam vừa được công nhận là thành viên chính thức của Hội nghị La Hay - một tổ chức uy tín bậc nhất về tư pháp quốc tế. Bà Đặng Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tư pháp, thông tin về sự kiện quan trọng này.

Việt Nam phá vỡ mọi kỷ lục về sự ủng hộ

- Xin bà cho biết Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên của Hội nghị LaHay về Tư pháp quốc tế từ thời điểm nào?

- Ngày 10/4/2013, trong Phiên thứ 5 của cuộc họp toàn thể các nước thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, được sự ủy quyền của  Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã nộp Văn kiện chấp nhận Quy chế của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế.

 


Bà Đặng Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tư pháp

 

Ngay lập tức sau đó, cũng tại Phiên họp toàn thể này, đại diện Bộ Ngoại giao Hà Lan, nước nhận lưu chiểu Văn  kiện phê chuẩn của Việt Nam đã trao Văn bản thông báo Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên đầy đủ của Tổ chức quốc tế này kể từ ngày 10/4/2013. 

 

Có thể nói sự kiện Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức uy tín bậc nhất về tư pháp quốc tế này đã đánh dấu một bước phát triển mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hội nhập tư pháp quốc tế nói riêng của Việt Nam.

 

Tôi cũng rất phấn khởi chia sẻ thêm, theo thông báo của Ban thường trực của Hội nghị La Hay thì việc gia nhập của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số các nước thành viên của Hội nghị La Hay.

 

Trong số 72 nước thành viên thì cho đến ngày 28/3/2013 đã có 66 nước bỏ phiếu nhất trí để Việt Nam gia nhập đầy đủ. 6 nước còn lại, theo tôi được biết đều có ý kiến ủng hộ Việt Nam, tuy nhiên, do quá thời hạn 6 tháng để bỏ phiếu nên không được tính. Mặc dù vậy, kết quả 66 nước ủng hộ Việt Nam thực sự đã là con số kỷ lục  -  điều chưa từng xảy ra trong 120 năm thành lập và phát triển của thiết chế này.

 

Nhiều cơ hội khai thác trực tiếp những thành tựu pháp luật quốc tế

- Gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế là tham gia nền khoa học tư pháp quốc tế toàn cầu. Điều này mang lại những cơ hội và thách thức gì cho Việt Nam, thưa bà?

Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế là một thiết chế được hình thành từ năm 1893, theo sáng kiến của nhà luật học T.M.C. Asser, người đã được trao giải Nô-ben vì hoà bình năm 1911.

Ngay từ khi thành lập, Hội nghị La Hay đã xác định tầm nhìn trong khuôn khổ hoạt động của mình bao gồm: hành động vì một thế giới trong đó các cá nhân, tổ chức mà cuộc sống và hoạt động của mình liên quan đến nhiều hệ thống pháp luật khác nhau được hưởng mức độ an toàn pháp lý cao; thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp một cách có trật tự và hiệu quả, quản trị tốt và pháp quyền, trong khi vẫn tôn trọng sự đa dạng của các truyền thống pháp luật.

- Việc Việt Nam lần đầu tiên trở thành thành viên của tổ chức đa phương về khoa học tư pháp quốc tế đặt nhiều cơ hội và không ít thách thức.

 

Gia nhập Hội nghị, Việt Nam được tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng và hoàn thiện các nền tảng pháp lý quốc tế đa phương trong lĩnh vực tư pháp quốc tế đang ngày càng phát triển, qua đó đưa được quan điểm, tiếng nói của Việt Nam đến với trường quốc tế, góp phần xây dựng và nâng cao vai trò, vị trí của Việt Nam trong hoạt động hợp tác về tư pháp quốc tế ở cấp độ toàn cầu.

 

Hơn thế nữa, việc Việt Nam gia nhập Hội nghị trong bối cảnh ASEAN cũng đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế về tư pháp sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác của khối ASEAN với quốc tế.  

 

Tham gia Hội nghị La Hay, Việt Nam sẽ được tiếp xúc và khai thác một cách trực tiếp những thành tựu pháp luật quốc tế, góp phần giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tư pháp quốc tế.

 

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc hài hòa hóa pháp luật quốc gia với chuẩn mực quốc tế chính là một trong những yếu tố quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu kinh tế, thương mại và dân sự, qua đó thúc đẩy hội nhập quốc tế của đất nước.

 

Hơn thế nữa, hài hòa hóa pháp luật trong nước với pháp luật quốc tế cũng là một yếu tố cần thiết của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền của Việt Nam.

 

Gia nhập Hội nghị còn mang lại những cơ hội hội nhập quý báu cho giới luật vì Hội nghị La Hay đề cập đến hầu hết các vấn đề pháp lý hiện đại của quan hệ kinh tế, dân sự quốc tế. Việt Nam sẽ được hưởng từ thiết chế này những hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức về tư pháp quốc tế, năng lực gia nhập và thực thi các Công ước của Hội nghị.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi như trên thì để có thể thực thi tốt quy chế thành viên Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

 

Trước hết, phải kể đến sự hạn chế về nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong nước đối với vai trò và tầm quan trọng của tư pháp quốc tế trong việc giải quyết các quan hệ dân sự, thương mại quốc tế (ví dụ như trong các vụ kiện liên quan đến tranh chấp kinh tế, thương mại quốc tế và gắn liền với tư pháp quốc tế (chọn luật áp dụng, chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp…).

 

Bên cạnh đó, Tòa án Việt Nam khá lúng túng khi thụ lý và giải quyết các tranh chấp dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài. Hoạt động tư vấn/tranh tụng trong giới luật sư Việt Nam liên quan tới pháp luật nước ngoài chưa phát triển.

 

Hiện nay, Việt Nam chưa xây dựng được lực lượng cán bộ, chuyên gia giỏi về tư pháp quốc tế, có trình độ ngoại ngữ, có kinh nghiệm hợp tác quốc tế tốt để tham gia vào các hoạt động của Hội nghị một cách hiệu quả, đặc biệt là tham gia vào quá trình soạn thảo các văn kiện pháp lý, tận dụng và phát huy được những lợi ích khi trở thành thành viên của Hội nghị.

 

Mặc dù gia nhập Hội nghị đặt ra một số thách thức như trên cho Việt Nam, tuy nhiên, đây là những thách thức chung của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế chứ không phải chỉ phát sinh từ việc gia nhập Hội nghị và hoàn toàn có thể khắc phục được.

 

Cần sự nghiêm túc hơn và chuyên nghiệp hơn

- Vậy Việt Nam cần làm gì để có thể tận dụng được các cơ hội cũng như thực hiện tốt các nghĩa vụ mà quy chế thành viên của Hội nghị La Hay mang lại, thưa bà ?

- Như chúng ra cũng đã biết, tại Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2012 về việc gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, Chính phủ đã chỉ định Bộ Tư pháp là Cơ quan Quốc gia trong quan hệ với các Thành viên và Ban Thương trực của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế.

 

Đồng thời, Nghị quyết số 01/2013/NQ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012 cũng đã giao Bộ Tư pháp phối hợp với các Bộ ngành triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện quyền và nghĩa vụ thành viên Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế của Việt Nam.

 

Gần đây nhất Nghị định số 22 ngày 13 tháng 03 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp cũng đã quy định Bộ Tư pháp “Là Cơ quan quốc gia trong quan hệ với các thành viên và Cơ quan thường trực của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế”.

 

Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng một kế hoạch tổng thể nhằm thực hiện quy chế thành viên Hội nghị La Hay. Kế hoạch sẽ xác định rõ các quyền lợi cũng như nhiệm vụ, trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện quy chế thành viên của Hội nghị La Hay.

 

Nội dung của Kế hoạch tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ chính gồm: Tuyên truyền, phổ biến về Hội nghị La Hay và các công ước của Hội nghị; Thực hiện nhiệm vụ Cơ quan Quốc gia trong quan hệ với các thành viên và Ban Thường trực của Hội nghị; Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp quốc tế; Nghĩa vụ tài chính; Nghiên cứu tham gia các Công ước trong khuôn khổ của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế

 

Kế hoạch này nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tư pháp - Cơ quan quốc gia với các Bộ, ngành, cơ quan địa phương, giữa Việt Nam, với Hội nghị La Hay và các nước thành viên Hội nghị nhằm thực hiện tốt nghĩa vụ thành viên, khắc phục những khó khăn, thách thức trong các năm đầu tiên thực hiện Quy chế của Hội nghị La Hay.

 

Việc triển khai kế hoạch này cũng sẽ tạo tiền đề thuận lợi để Việt Nam tiếp tục gia nhập các Công ước khác của Hội nghị La Hay. Theo dự kiến Kế hoạch sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng này.

 

Có thể thấy rằng để thực hiện tốt quy chế thành viên của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, Việt Nam phải nghiêm túc hơn và chuyên nghiệp hơn trong các hoạt động của Hội nghị, đặc biệt là việc tham gia đàm phán và thực hiện các quyết định, điều ước quốc tế của Hội nghị La Hay. Việt Nam cũng phải quan tâm hơn đến các mục tiêu chung của Hội nghị , điều chỉnh tổ chức bộ máy trong nước cũng như đầu tư nguồn lực và nhân lực thích đáng hơn để tham gia hợp tác một cách chủ động và hiệu quả.

 

Việt Nam với tư cách là thành viên của Hội nghị La Hay sẽ phải làm hết sức mình để đưa tinh thần và nội dung của Quy chế Hội nghị, các công cụ pháp lý của thiết chế này vào cuộc sống, mang lại lợi ích cho mỗi quốc gia thành viên và Tổ chức nói chung, góp phần vào hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới.

- Trân trọng cảm ơn bà!

 

Hồng Thúy thực hiện

Theo Pháp luật VN

Chia sẻ bài viết lên facebook 9,595

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079