Chính sách mới >> Quốc tế 27/04/2015 16:00 PM

Động đất tại Nepal: 3432 người thiệt mạng

27/04/2015 16:00 PM

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Chính phủ Nepal, đã có 3.432 người thiệt mạng và hơn 6.525 người bị thương trong trận động đất kinh hoàng ở nước này.

Lực lượng cứu hộ đang khẩn trương cứu người. Ảnh: AP

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Chính phủ Nepal, đã có 3.432 người thiệt mạng và hơn 6.525 người bị thương trong trận động đất kinh hoàng ở nước này.

* Trong một thông báo phát đi sáng nay, Chính phủ Nepal cho biết, ít nhất đã có 3218 người chết, hơn 6500 người bị thương trong trận động đất kinh hoàng xảy ra tại nước này.

Trận động đất này cũng khiến 90 người tại các nước láng giềng trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc thiệt mạng.

Đáng chú ý, trong sáng nay (27/4), Nepal tiếp tục hứng thêm một trận động đất mạnh 6,7 độ Richter mà từ Thủ đô New Delhi, Ấn Độ, cách đó 800 km về phía Tây cũng có thể cảm nhận được.

Trước đó, trong suốt ngày 26/4, Nepal và đặc biệt là Thủ đô Katmandou liên tục hứng chịu các cơn dư chấn mạnh. Cục Khảo sát địa chất Mỹ cho biết, đã ghi nhận được khoảng 30 cơn dư chấn cường độ thấp.

Thủ đô Katmandou của Nepal là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ trận động đất với 721 người chết và bị thương. Nhiều người dân thủ đô phải ngủ ngoài trời dù thời tiết giá lạnh do lo ngại các cơn dư chấn có thể xảy ra.

Hàng trăm ngôi nhà bị đổ sập và một phần thành phố không có điện. Trận động đất cũng phá hủy nhiều di tích lịch sử nổi tiếng tại Nepal, trong đó có tòa tháp gần 200 năm tuổi Dharhara ở thủ đô Katmandou.

Trận động đất phá hủy nhiều di tích lịch sử nổi tiếng tại Nepal - Ảnh Reuters

Còn tại Ấn Độ, chính quyền nước này cho biết, đã có 67 người thiệt mạng do trận động đất, phần lớn tại tại bang Đông Bihar, trong khi tại Tây Tạng (Trung Quốc) là 17 người thiệt mạng. Theo lực lượng cứu hộ, con số thương vong còn có thể tăng lên.

Tình hình cũng rất đáng lo ngại tại khu vực núi Everest, nơi trận động đất đã gây lở tuyết nghiêm trọng khiến nhiều người leo núi bị mắc kẹt. Theo chính quyền địa phương, ít nhất 22 người thiệt mạng và hơn 200 người mất tích tại khu vực này. Nhờ tình hình thời tiết được cải thiện, ngày 26/4, 6 máy bay trực thăng đã hạ cánh được xuống khu vực dãy Himalaya để cứu trợ các nạn nhân. Theo Bộ Du lịch Nepal, khoảng 1.000 người, trong đó có gần một nửa là người nước ngoài có mặt tại khu vực khi thảm họa xảy ra.

Nước láng giềng Ấn Độ đang tích cực giúp đỡ Nepal sau thảm họa. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ấn Độ Sitanshu Kar cho biết, trong ngày 26/4, có 10 chuyến bay quân sự của nước này chở lương thực, nước uống, chăn, lều bạt, lực lượng công binh, các đội NDRF, nhân viên và thiết bị y tế tới tham gia chiến dịch cứu trợ, cứu nạn tại Nepal. Lực lượng phản ứng thảm họa quốc gia (NDRF) của Ấn Độ cũng điều 10 đội cứu nạn tới Nepal và đây là lần đầu tiên NDRF hoạt động ở nước ngoài.

Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga cho biết, 2 máy bay Nga chở đội cứu hộ gồm hơn 90 chuyên gia, cùng thiết bị và hàng hóa cứu trợ đã đến Nepal.

Mỹ cũng thông báo 70 nhân viên cứu trợ của nước này mang theo 45 tấn hàng hóa, chủ yếu là thiết bị hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, đang trên đường tới Nepal bằng máy bay vận tải quân sự. Ngoài ra, Mỹ đang chuẩn bị để trong vài ngày tới gửi thêm nguyên vật liệu khẩn cấp phục vụ cho các cơ sở trú ẩn của người dân Nepal sau thiên tai.

Các nước Anh, Pháp, Đức, Phần Lan, Bỉ, Luxembourg, Canada, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Algeria, Singapore, Israel đều đã cử lực lượng cứu hộ giúp Nepal khắc phục hậu quả của trận động đất.

Tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF) đang triển khai bệnh viện dã chiến ở Nepal với 60-80 giường bệnh. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) hiện đã sẵn sàng cử nhóm chuyên gia đến Nepal giúp Chính phủ nước này đánh giá các tác động của trận động đất đến tình hình kinh tế và xác định các nhu cầu tài chính.

Ủy ban châu Âu ngày 26/4 đã giải ngân khoản cứu trợ khẩn cấp trị giá 3 triệu euro (3,25 triệu USD) cho Nepal. Bộ trưởng Phát triển Quốc tế Anh Justine Greening thông báo Anh đã chi 5 triệu bảng (7,6 triệu USD) hỗ trợ Nepal. Các nước Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Na Uy cũng đã cam kết viện trợ cho Nepal.

Hoàng Lâm

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,606

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079