Cụ thể, ở mức giá nhập khẩu bình quân 54,75 USD/thùng, người tiêu dùng đang phải chịu nhiều loại thuế, phí. Đó là 1.269 đồng tiền thuế nhập khẩu (tính theo mức thuế bình quân gia quyền 15,74%); 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường; 1.483 đồng tiền thuế giá trị gia tăng (10%) và 985 đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (10%).
Điểm đáng chú ý là tiền thuế tiêu thụ đặc biệt của mỗi lít xăng ở thời điểm hiện tại đã tăng 160 đồng so với thời điểm trước ngày 1/7 (tăng từ mức 835 đồng/lít lên 985 đồng/lít), nguyên nhân là thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt như VietNamNet đã từng phân tích.
Như vậy, khi mua một lít xăng giá 16.070 đồng, người tiêu dùng đã phải chịu tới 6.737 đồng tiền các loại thuế.
Tính chung, chỉ riêng phần thuế đã chiếm tới 42% trong cơ cấu giá xăng bán lẻ; chưa tính định mức chi phí kinh doanh mà doanh nghiệp được hưởng (300 đồng) và trích Quỹ bình ổn giá.
Chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long đã nhiều lần phát biểu rằng, cần phải bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu vì chỉ nên đánh loại thuế này với mặt hàng hạn chế tiêu dùng.
Còn với thuế nhập khẩu, cơ hội để giảm mức thuế này là hoàn toàn có cơ sở. Hiện nay, mức thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc là 10%, xăng của lọc dầu Dung Quất cũng chỉ phải nộp mức thuế 10% này, riêng trong ASEAN thì mức thuế nhập xăng vẫn ở mức 20%. Tính theo mức thuế bình quân gia quyền thì thuế nhập xăng trung bình là 15,74%.
Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam từng kiến nghị giảm mức thuế nhập khẩu xăng về 10% để thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan nhà nước trong tính giá xăng. Bởi vì cách tính thuế bình quân gia quyền chưa phải là giải pháp tối ưu.
Đó là chưa kể sự tồn tại của Quỹ bình ổn xăng dầu cũng gây nhiều tranh cãi về sự cần thiết, cũng như tính hợp lý của việc “mặc định” doanh nghiệp xăng dầu được lãi 300 đồng/lít xăng.
Hà Duy
Theo Vietnamnet