Đang nhiều quan điểm trái chiều quanh việc nâng lãi suất tiền gửi USD lên trên mức 0%? Ảnh: Hồng Vĩnh.
Thủ tướng đã 3 lần yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải tìm cách huy động nguồn lực ngoại tệ (USD) trong dân; còn người Việt chỉ trong hơn năm qua đã chi hơn 3 tỷ USD mua nhà tại riêng thị trường Mỹ… Những thông tin trên khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Có ý kiến cho rằng, phải chăng do lãi suất USD neo quá lâu ở mức 0% nên không hấp dẫn người gửi tiền, khiến ngoại tệ bị “chảy máu”?
Lãi suất USD 0% là rào cản?
Tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với NHNN vào trung tuần tháng 7, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói với NHNN rằng, Thủ tướng đã 3 lần “nhắc” NHNN nghiên cứu biện pháp huy động nguồn lực vàng và ngoại tệ trong dân để đưa vào sản xuất kinh doanh phục vụ nền kinh tế.
Cũng tuần qua “rộ” lên câu chuyện người Việt chi 3,06 tỷ USD mua bất động sản chỉ tính riêng tại Mỹ. Nhìn nhận hiện tượng này, TS Lưu Bích Hồ (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển) cho rằng, có thể do tăng trưởng kinh tế không cao như trước đây, môi trường đầu tư kinh doanh còn khó khăn khiến tiền, vàng được chuyển ra nước ngoài. Việc cần lưu tâm, theo TS Lưu Bích Hồ, phải làm sao để huy động nguồn lực trong dân phát triển đất nước.
Tại Diễn đàn kinh tế tư nhân (ngày 31/7) khi được hỏi suy nghĩ về con số hơn 3 tỷ USD người Việt đã chi mua nhà ở Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: Hiện tượng người Việt chuyển tiền ra nước ngoài, chứng tỏ môi trường kinh doanh tự do của Việt Nam tốt nhưng còn nhiều vấn đề phải suy nghĩ thêm. Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề có thể do tăng lãi suất VND nhiều lần nhưng lãi suất USD hiện chỉ ở mức 0%.
Thực tế, đây không chỉ là trăn trở của người đứng đầu Chính phủ mà thời gian qua, có vô số băn khoăn bày tỏ: Lãi suất tiền gửi USD ở mức 0% có phải là một trong những “rào cản” khiến ngoại tệ “chạy” vào ngân hàng kém đi? TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế là người khá “cứng” trong quan điểm muốn huy động mạnh mẽ nguồn ngoại tệ trong dân, phải có cơ chế lãi suất cho tiền gửi ngoại tệ và cho vay ngoại tệ một cách bình thường, “tức là nên phục hồi lại cơ chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ”, ông Nghĩa đề xuất. Cùng đó, nhiều chuyên gia, lãnh đạo một số NHTM cổ phần khuyến nghị NHNN nên xem xét nâng lãi suất USD lên từ 0,25% đến 0,5% hoặc cao nhất là 1%/năm.
Luật sư Trương Thanh Đức, chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng) cũng lưu ý, hiện các NH vẫn đang cần nguồn ngoại tệ để cho vay nên cần huy động, do đó, NHNN cần xem lại chính sách, phải làm sao để tạo được sự hợp lý trong điều phối tiền tệ giúp các NH tuân thủ và chấp hành, không còn hành vi lách luật, đi đêm lãi suất. “Trần lãi suất huy động USD nên để mức hợp lý hơn mức 0%/năm như hiện nay”, luật sư Đức nói.
Không nâng để giữ ổn định tiền tệ
Dù vậy, vẫn có những ý kiến đồng tình giữ lãi suất USD ở mức 0%. TS Nguyễn Đức Độ, Học viện Tài chính lưu ý: “Hiện tượng chuyển hóa tài sản sang bất động sản mua nhà ở Mỹ, Úc hay nhiều nước khác thời gian qua xuất phát từ lý do một bộ phận người Việt muốn phòng thân, chứ không phải vì lãi suất USD chỉ 0% nên họ muốn đầu tư nơi khác”.
Có nên nâng lãi suất USD? TS Nguyễn Đức Độ cho rằng, hiện tượng “đi đêm” lãi suất USD tại một số ngân hàng vẫn đang diễn ra cho nên có nâng lãi suất USD công khai lên 0,5-1% cũng không giải quyết được gì. “Những người đã thực sự có ngoại tệ găm giữ, họ sẽ không quá quan tâm đến lãi suất 0,5-1% nếu gửi. Trong khi đó, nếu nâng lãi suất USD, NHNN sẽ phải tính đến nâng lãi suất tiền đồng, điều này đi ngược với mục tiêu giảm lãi suất cho doanh nghiệp vay của Chính phủ. Hiện thị trường, tỷ giá đang “êm”, chính sách tiền tệ ổn định nên tôi đoán họ (tức NHNN – PV) sẽ khó muốn bàn đến việc nâng lãi suất USD”, ông Độ nói.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc khối phân tích Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, ổn định tỷ giá là yếu tố quan trọng để tiếp tục kiên định với chính sách lãi suất USD 0% như hiện hành. Theo ông Linh, không nên quá ồn ào việc “đòi” nâng lãi suất USD vì tiếc, vì không tin vào sự ổn định của đồng VND. “Thực sự dự trữ ngoại hối và sức khỏe kinh tế Việt Nam vẫn còn yếu thật, nhưng yếu không có nghĩa để lung lay, mà từng cá nhân phải có trách nhiệm đóng góp để cho hệ thống tài chính tiền tệ, cho nền kinh tế trước hết là ổn định, sau là khỏe dần lên”, ông Linh khuyến nghị.
Trước ý kiến “NHNN có nên cân nhắc việc “nhấc” lãi suất USD lên khỏi mức 0%”, trao đổi với Tiền phong, một đại diện NHNN đặt câu hỏi ngược lại: Vậy, nâng lãi suất ngoại tệ lên để làm gì? Phân tích của vị này, mục tiêu của lãi suất USD 0% là hướng tới sự ổn định tổng thể cho nền kinh tế đi kèm cả “gói” chính sách vỹ mô. “Từ đầu năm đến nay, các dòng ngoại tệ chảy từ FDI, FII, kiều hối về Việt Nam đang tốt; dòng tiền ra nước ngoài qua con đường đầu tư được kiểm soát chặt. Bây giờ nếu “động” vào lãi suất ngoại tệ, lãi suất tiền đồng lập tức bị đẩy lên, từ đó dẫn đến tâm lý găm giữ ngoại tệ, vỡ tỷ giá, vỡ lãi suất và hàng loạt bất ổn khác”, vị này khẳng định.
Theo NHNN, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2017, tỷ trọng tiền gửi cả VND và USD trên toàn hệ thống đều tăng trong đó tiền gửi ngoại tệ tăng nhẹ. Năm 2016, NHNN mua vào gần 10 tỷ USD tăng dự trữ ngoại hối. Tính đến 7 tháng đầu năm 2017, con số dự trữ này tiếp tục lên tới 42 tỷ USD. “Trong số nguồn ngoại tệ này, có một phần là từ lượng nắm giữ trong dân được chuyển hóa sang đồng Việt Nam thông qua việc gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Cùng đó, thị trường lãi suất, tỷ giá “êm” không có sóng…”, NHNN khẳng định.
KHÁNH HUYỀN
Theo Tiền phong