Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
Cụ thể, tại Điều 9 của Thông tư 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành quy định về lãi suất cho vay tiêu dùng như sau:
Một là, lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Hai là, Công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.
Ba là, trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung khung lãi suất cho vay tiêu dùng, công ty tài chính phải gửi báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều 7 Thông tư 43 về khung lãi suất, trong đó nêu cụ thể các yếu tố, nguyên tắc cơ bản xác định khung lãi suất cho vay tiêu dùng, các yếu tố về chi phí vốn, chi phí rủi ro, lợi nhuận trên vốn, lãi suất thị trường và bảo đảm bù đắp được các chi phí, rủi ro liên quan, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và sự phát triển của công ty tài chính.
Như vậy, hiện nay không có trần lãi suất cho vay tiêu dùng tại các Công ty tài chính mà là Công ty tài chính đưa ra mức lãi suất cho vay cụ thể và báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước, nếu Ngân hàng Nhà nước không phản đối thì Công ty tài chính được quyền áp dụng (mức lãi suất này có thể cao hơn 20%/năm).
Lời khuyên: Trước khi thực hiện ký kết hợp đồng vay tiêu dùng tại các Công ty tài chính thì người vay cần đọc kỹ hợp đồng để biết mức lãi suất là bao nhiêu, lãi trễ hạn là bao nhiêu… nhằm tránh trường hợp ký rồi mới phát hiện lãi suất quá cao không thể chi trả được.
Hữu Phạm