Chính sách mới >> Tài chính 30/05/2012 08:40 AM

TTCK: Thời điểm cần hành động

30/05/2012 08:40 AM

Đã đến lúc cơ quan quản lý cần hành động cụ thể chứ không nên chỉ tiếp thu chung chung trước những kiến nghị phát triển TTCK của NĐT nước ngoài.

Đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản giao dịch chứng khoán; nâng tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài trong các DN Việt Nam; miễn thuế cho NĐT trái phiếu chính phủ; công bố một lộ trình rõ ràng về cổ phần hóa DNNN… là những vấn đề chính mà cộng đồng NĐT nước ngoài dự kiến sẽ kiến nghị đến các cơ quan công quyền tại Việt Nam trong Diễn đàn Doanh nghiệp 2012, tổ chức ngày 28-29 tháng 5 tới. Điều đáng nói, đây đều là những vấn đề không mới, thậm chí quá cũ khi đã được các NĐT thiện chí nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các diễn đàn trước đó, nhưng mức độ đáp ứng cho những kiến nghị vẫn là câu hỏi ngỏ. Một lần nữa, các kiến nghị không mới sẽ tiếp tục được nêu lên trong sự kiện 1 năm mới tổ chức 1 lần này.

Thời điểm cần hành động

Nêu kiến nghị không phải để các cơ quan công quyền bàn thảo, suy xét tiếp, mà điều NĐT mong đợi nhất là những hành động thiết thực giải quyết những tồn tại, đang làm giảm sút sự hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là TTCK. Từ đầu năm đến nay, vốn ngoại vẫn chưa thoát khỏi trạng thái “bấp bênh” trong dòng chảy vào Việt Nam. Năm 2011, theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), nếu quý II, quý III, dòng vốn ngoại có chảy vào Việt Nam nhưng chủ yếu là để đầu tư trái phiếu hưởng lãi suất, thì từ cuối quý III, dòng vốn này đã đảo chiều và rút ra khỏi Việt Nam. Quý IV/2011, NĐT ngoại rút ròng 180 triệu USD khỏi Việt Nam, còn tính chung cả năm 2011, giá trị dòng vốn gián tiếp ròng giảm tới 70% so với năm 2010.

Điểm gây thất vọng nhất cho NĐT nước ngoài, nhất là các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, chính là sự ì ạch và thiếu thông tin trong tiến trình cổ phần hóa DNNN. Năm 2011, cả nước cổ phần hóa được 60 DN, còn 4 tháng đầu năm nay, chỉ có 4 DNNN được cổ phần hóa. Không chỉ hạn chế ở con số DN cổ phần hóa được quá thấp, mà điểm kém hấp dẫn nữa với NĐT ngoại trong công cuộc cổ phần hóa DNNN là việc họ bị khống chế tỷ lệ mua và giá mua. Chỉ được sở hữu ở tỷ lệ thấp, NĐT nước ngoài nếu là cổ đông, cũng không thể tham gia sâu vào hoạt động quản trị DN để cải tổ chất lượng hoạt động và mang lại hiệu quả cho các bên. Thực tế đã cho thấy, từng có một thời, các tổ chức đầu tư lớn nước ngoài rất hào hứng tham gia HĐQT của nhiều DN Việt Nam, nhưng đến nay, mối quan hệ này có phần “rã rời”, do ở một tỷ lệ thấp, NĐT chuyên nghiệp không có tiếng nói đủ trọng lượng trong HĐQT.

Việt Nam hiện còn 1.309 DNNN chưa cổ phần hóa, trong đó có nhiều DN lớn, có sức hấp dẫn dòng vốn ngoại và từng được hứa hẹn sẽ cổ phần hóa nhiều lần nhưng chưa thực hiện, như Vinaphone, MobiFone, DN lớn ngành hàng không, dầu khí… Công bố một danh sách DNNN sẽ cổ phần hóa với lộ trình thực hiện công khai, nghiêm túc và những quy định cởi mở hơn về tỷ lệ được mua của NĐT ngoại, là những điều các NĐT nước ngoài chờ đợi ở Việt Nam. Nhiều tổ chức đầu tư vào Việt Nam “nằm vùng” chờ “cơ hội vàng” từ quá trình cổ phần hóa, nhưng sự kiên nhẫn của họ khó có thể kéo dài nếu công tác này vẫn trì trệ, thiếu minh bạch, thiếu cởi mở như vừa qua.

TTCK: mức độ cải tiến còn nhỏ

Từ khi TTCK mở cửa hoạt động đến nay, NĐT nước ngoài đã có kiến nghị về thủ tục pháp lý để tham gia đầu tư quá phức tạp, quá mất thời gian (khoảng 6 tháng). Đến thời điểm này, kiến nghị của họ mới được tiếp thu, nhưng sự chuyển động pháp lý cũng mới chỉ dừng ở dự thảo quy định mới về thủ tục tham gia của NĐT nước ngoài vào TTCK.

Biên độ giá và tỷ lệ mua tối đa (room) cho NĐT nước ngoài bị khống chế khá chặt cũng là điểm họ kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa có chuyển biến nào được thực thi. Theo Luật Đầu tư, NĐT ngoại được mua đến 100% vốn cổ phần ở những DN thuộc ngành nghề không bị hạn chế đầu tư nước ngoài, nhưng thực tế, các DN niêm yết trên sàn đều áp dụng chung mức khống chế sở hữu của NĐT nước ngoài ở tỷ lệ 49%. Với các ngân hàng niêm yết, tỷ lệ này vẫn ở mức 30%, mặc dù đã nhiều lần, cả NĐT nước ngoài và các chuyên gia Việt Nam kiến nghị nên nâng tỷ lệ này lên 49%, trong bối cảnh Việt Nam đã cho phép NĐT ngoại được thành lập ngân hàng 100% vốn.

Cải tiến mới nhất của TTCK là kéo dài thời gian giao dịch, nhưng còn rất nhiều hạn chế nữa cần nỗ lực của nhà quản lý để cải thiện. Chẳng hạn, quy trình thanh toán kéo dài (T+4), chính sách thuế không phù hợp, thiếu các công cụ phái sinh trên TTCK, tỷ giá không ổn định… là những nội dung cần được cải tiến sớm mới có thể hấp dẫn được dòng vốn ngoại.

Đầu tư vào Việt Nam từng là một câu chuyện hấp dẫn nhất với NĐT nước ngoài do đặc thù của một thị trường mới nổi và những “cơ hội vàng” tiềm ẩn từ quá trình cổ phần hóa DNNN. Tuy nhiên, sau một quá trình dài nhìn lại, nhiều NĐT cho rằng, những mong đợi và kiến nghị của họ gần như không có sự chuyển biến nào đáng kể. Những kiến nghị chính thức sẽ được nêu lên một lần nữa trong Diễn đàn DN Việt Nam 2012, nhưng cũng đã có ý kiến cho rằng, nếu các cơ quan công quyền chỉ thảo luận mà không có những hành động cụ thể để cải thiện môi trường đầu tư thì Việt Nam có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh thu hút dòng vốn ngoại.

Tường Vi

Đầu tư chứng khoán

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,423

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079