Ảnh minh họa |
Bức tranh kinh tế 6 tháng thể hiện rõ nét những tác động tích cực của chính sách tiền tệ. Thanh khoản hệ thống ngân hàng cải thiện, mặt bằng lãi suất giảm dần, tỷ giá ổn định trong suốt thời gian dài giúp dự trữ ngoại hối tăng 30% so với đầu năm. Cán cân thanh toán quốc tế dự báo thặng dư khoảng 7,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2012 nhờ vào sự cải thiện của cán cân thương mại.
Đồng tiền Việt Nam "tìm được chỗ đứng"
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận định nếu như trước đây người dân luôn muốn thoát khỏi đồng tiền Việt Nam để đầu tư vào vàng, ngoại tệ, hay bất động sản... thì nay đồng tiền Việt Nam đã tìm được vị trí của mình. Dòng vốn chảy vào ngân hàng vẫn tăng dù lãi suất tiền gửi có giảm hơn trước rất nhiều.
Trước đây, chính sách thường phải chạy theo thị trường, thì nay thị trường vận hành đã có sự điều tiết chủ động từ chính sách. Điển hình nhất là lộ trình giảm lãi suất và ổn định tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất rất mạnh, chỉ trong vòng 5 tháng giảm trần huy động lãi suất tiền gửi (ngắn và trung hạn) từ 14%/năm xuống còn 9%/năm để kéo lãi vay từ mức 18-20%/năm xuống còn khoảng 13-14%/năm.
Ngoài ra, trong thời gian ngắn Ngân hàng Nhà nước đã trình Đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý 9 tổ chức tín dụng nhưng vẫn giữ được sự ổn định của hệ thống ngân hàng.
Dù vẫn còn những bất cập nhưng không thể phủ nhận niềm tin của thị trường vào chính sách là rất lớn. Mặc dù GDP trong 6 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt 4,38%, nhưng chỉ số xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam được đánh giá tốt và xếp hạng cao. Đây là một thành công lớn. Bởi một khi chỉ số xếp hạng tín nhiệm cao sẽ dễ dàng hơn trong vay vốn nước ngoài. Cùng với tăng lượng dự trữ ngoại tệ, chỉ số tín nhiệm tăng cao sẽ là cơ sở tốt, tạo thuận lợi cho việc kêu gọi và thu hút đầu tư nước ngoài.
Giải tỏa nợ xấu để khơi thông dòng vốn
Tuy nhiên, có một nghịch lý đang diễn ra là trong khi vốn huy động tăng, lãi suất dù đã hạ nhưng dự nợ cho vay đang ở mức rất thấp, nghĩa là vốn đi vào ngân hàng dồi dào, nhưng bị “nghẽn” cửa ra.
Theo các chuyên gia kinh tế, nợ xấu tăng cao, khả
năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp đang là những nhân tố chính gây “tắc
nghẽn” dòng vốn.
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng vấn đề
mấu chốt hiện nay về chính sách tiền tệ là cần phải nhanh chóng xử lý nợ
xấu ngân hàng, biểu hiện khả năng thanh toán và chất lượng doanh
nghiệp.
Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là hàng tồn kho lớn do sức mua giảm. Các doanh nghiệp cũng không thể hạ giá thành, vì trước đó phải vay vốn với lãi suất quá cao, nên để tháo gỡ nhà nước phải vào cuộc thật đồng bộ. Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nào thì bộ, ngành đó phải tham gia, xem cần có giải pháp nào hiệu quả để hỗ trợ sức mua, giúp doanh nghiệp có thể giảm giá thành. Các hiệp hội ngành nghề cũng phải vào cuộc, xem doanh nghiệp hội viên của mình khó ở đâu, để cùng tháo gỡ khó khăn...
Giải phóng được hàng tồn kho, có đầu ra, doanh nghiệp quay vòng được vốn, ngân hàng xử lý được nợ xấu mới dám tiếp tục cho vay.
Công Trí