Chính sách mới >> Tài chính 15/08/2022 17:54 PM

Các phương thức phát hành trái phiếu Chính phủ

15/08/2022 17:54 PM

Trái phiếu Chính phủ được phát hành để Nhà nước huy động vốn thực hiện các dự án đầu tư. Vậy mệnh giá trái phiếu Chính phủ được quy định thế nào? – Thanh Liêm (TP.HCM).

Các phương thức phát hành trái phiếu Chính phủ

Các phương thức phát hành trái phiếu Chính phủ

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Trái phiếu Chính phủ là gì?

Theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 01/2011/NĐ-CP thì trái phiếu Chính phủ là loại trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc huy động vốn cho chương trình, dự án đầu tư cụ thể thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước.

Mệnh giá trái phiếu Chính phủ là bao nhiêu?

Theo Nghị định 95/2018/NĐ-CP thì mệnh giá phát hành trái phiếu Chính phủ được quy định như sau:

Trái phiếu Chính phủ có mệnh giá là một trăm nghìn (100.000) đồng hoặc là bội số của một trăm nghìn (100.000) đồng.

Lãi suất trái phiếu Chính phủ

Trái phiếu được phát hành theo lãi suất cố định, lãi suất thả nổi hoặc lãi suất chiết khấu theo thông báo của Kho bạc Nhà nước.

Lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ do Kho bạc Nhà nước quyết định trong khung lãi suất do Bộ Tài chính quy định.

2. Điều kiện và điều khoản của trái phiếu Chính phủ

Điều kiện và điều khoản của trái phiếu Chính phủ được quy định tại Điều 14 Nghị định 95/2018/NĐ-CP như sau:

- Kỳ hạn trái phiếu Chính phủ:

+ Trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn chuẩn là 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, 30 năm và 50 năm.

+ Các kỳ hạn khác của trái phiếu Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trong từng thời kỳ.

- Đồng tiền phát hành, thanh toán là đồng Việt Nam. Trường hợp phát hành trái phiếu Chính phủ tại thị trường trong nước bằng ngoại tệ, đồng tiền phát hành, thanh toán là ngoại tệ tự do chuyển đổi theo quy định của trái phiếu ngoại tệ.

- Hình thức trái phiếu Chính phủ:

+ Trái phiếu Chính phủ được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử tùy thuộc vào phương thức phát hành.

+ Chủ thể tổ chức phát hành quyết định cụ thể về hình thức trái phiếu Chính phủ đối với mỗi đợt phát hành.

- Phương thức thanh toán lãi, gốc trái phiếu Chính phủ:

+ Tiền lãi được thanh toán theo định kỳ 06 tháng một lần, hoặc 12 tháng một lần, hoặc thanh toán 01 lần vào ngày đáo hạn cùng với thanh toán gốc. Chủ thể phát hành thông báo cụ thể phương thức thanh toán lãi trái phiếu đối với từng đợt phát hành.

+ Tiền gốc được thanh toán 01 lần vào ngày đáo hạn hoặc thanh toán trước hạn theo thông báo của chủ thể phát hành đối với từng đợt phát hành.

3. Các phương thức phát hành trái phiếu Chính phủ

Theo khoản 7 Điều 14 Nghị định 95/2018/NĐ-CP thì các phương phức phát hành trái phiếu Chính phủ bao gồm:

3.1. Đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ

Đấu thầu phát hành trái phiếu Chính phủ được quy định tại Điều 15 Nghị định 95/2018/NĐ-CP như sau:

- Đấu thầu phát hành là phương thức bán trái phiếu Chính phủ thông qua tổ chức đấu thầu về lãi suất cho đối tượng mua trái phiếu.

- Nguyên tắc tổ chức đấu thầu:

+ Giữ bí mật mọi thông tin dự thầu của đối tượng tham gia đấu thầu.

+ Thực hiện công khai, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ giữa các đối tượng tham gia đấu thầu.

- Đối tượng tham gia đấu thầu:

+  Nhà tạo lập thị trường theo quy định.

+ Các đối tượng được mua trái phiếu Chính phủ theo phương thức đấu thầu thông qua các nhà tạo lập thị trường gồm: Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước được mua công cụ nợ của Chính phủ với khối lượng không hạn chế, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

Các quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ hưu trí tự nguyện được mua công cụ nợ của Chính phủ thông qua việc ủy thác cho tổ chức quản lý quỹ thực hiện;

Các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được mua công cụ nợ của Chính phủ theo quy định của pháp luật có liên quan.

- Hình thức đấu thầu được thực hiện theo một trong hai hình thức sau:

+ Đấu thầu cạnh tranh lãi suất;

+ Đấu thầu kết hợp cạnh tranh lãi suất và không cạnh tranh lãi suất. Trường hợp phiên đấu thầu được tổ chức theo hình thức này, tổng khối lượng trái phiếu phát hành không cạnh tranh lãi suất đảm bảo không vượt quá 30% tổng khối lượng trái phiếu gọi thầu trong phiên đấu thầu.

- Việc xác định kết quả đấu thầu được thực hiện theo một trong hai phương thức đấu thầu đơn giá hoặc đấu thầu đa giá. Căn cứ vào sự phát triển của thị trường, Bộ Tài chính quyết định phương thức đấu thầu đơn giá hoặc đấu thầu đa giá trong từng thời kỳ.

- Chủ thể tổ chức phát hành trực tiếp tổ chức đấu thầu trái phiếu Chính phủ hoặc tổ chức đấu thầu thông qua Sở giao dịch chứng khoán theo quy định của Bộ Tài chính.

3.2. Bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ

Bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ được quy định tại Điều 16 Nghị định 95/2018/NĐ-CP như sau:

- Bảo lãnh phát hành là phương thức bán trái phiếu Chính phủ thông qua tổ hợp bảo lãnh phát hành bao gồm:

+ Tổ chức bảo lãnh chính và/hoặc các tổ chức đồng bảo lãnh chính;

+ Tổ chức bảo lãnh phát hành và/hoặc các tổ chức đồng bảo lãnh phát hành.

- Điều kiện làm tổ chức bảo lãnh chính:

+ Các tổ chức tài chính có chức năng cung cấp dịch vụ bảo lãnh chứng khoán theo quy định của pháp luật được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

+ Có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo lãnh chứng khoán;

+ Có phương án bảo lãnh phát hành khả thi đáp ứng được yêu cầu của chủ thể tổ chức phát hành đối với mỗi đợt phát hành.

- Quy trình bảo lãnh phát hành trái phiếu:

+ Căn cứ yêu cầu của từng đợt bảo lãnh phát hành, điều kiện của tổ chức bảo lãnh chính, Kho bạc Nhà nước lựa chọn tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính cho từng đợt bảo lãnh phát hành. 

Tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính lựa chọn tổ chức bảo lãnh phát hành/đồng bảo lãnh phát hành, báo cáo Kho bạc Nhà nước chấp thuận.

+ Kho bạc Nhà nước cung cấp các thông tin cơ bản về đợt phát hành để tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính và tổ hợp bảo lãnh tìm kiếm nhà đầu tư.

Nội dung cung cấp thông tin bao gồm: khối lượng dự kiến phát hành, kỳ hạn dự kiến phát hành, định hướng lãi suất đối với từng kỳ hạn phát hành, thời gian dự kiến phát hành.

+ Tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính và thành viên của tổ hợp bảo lãnh tổng hợp nhu cầu mua trái phiếu của nhà đầu tư gồm: khối lượng dự kiến mua, khối lượng mua chắc chắn và lãi suất kỳ vọng đối với từng kỳ hạn gửi Kho bạc Nhà nước.

+ Kho bạc Nhà nước đàm phán với tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính về khối lượng, điều kiện, điều khoản của trái phiếu (kỳ hạn, lãi suất phát hành ngày phát hành, ngày thanh toán tiền mua trái phiếu, giá bán trái phiếu), chi phí bảo lãnh và các nội dung liên quan khác.

+ Căn cứ kết quả đàm phán với tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính Kho bạc Nhà nước ký hợp đồng bảo lãnh phát hành với tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính để bán trái phiếu. 

Hợp đồng bảo lãnh phát hành là căn cứ pháp lý xác nhận các quyền, nghĩa vụ của tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính; quyền, nghĩa vụ của Kho bạc Nhà nước.

+ Tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính và tổ hợp bảo lãnh có trách nhiệm phân phối trái phiếu theo cam kết tại hợp đồng bảo lãnh. Trường hợp không phân phối hết trái phiếu, tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính và tổ hợp bảo lãnh có trách nhiệm mua hết khối lượng còn lại.

+ Kết thúc đợt bảo lãnh phát hành, Kho bạc Nhà nước phát hành trái phiếu Chính phủ cho nhà đầu tư theo danh sách do tổ chức bảo lãnh chính/đồng bảo lãnh chính cung cấp.

3.3. Phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ

Theo Điều 17 Nghị định 95/2018/NĐ-CP quy định về phát hành riêng lẻ trái phiếu Chính phủ như sau:

- Phát hành riêng lẻ là phương thức bán trực tiếp trái phiếu Chính phủ cho từng đối tượng mua.

- Kho bạc Nhà nước xây dựng phương án phát hành trái phiếu Chính phủ theo phương thức riêng lẻ báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận. Phương án phát hành riêng lẻ bao gồm các nội dung cơ bản sau:

+ Đối tượng mua trái phiếu;

+ Khối lượng dự kiến phát hành;

+ Kỳ hạn trái phiếu;

+ Lãi suất dự kiến;

+ Thời gian dự kiến phát hành.

- Trên cơ sở phương án phát hành riêng lẻ được Bộ Tài chính chấp thuận Kho bạc Nhà nước ban hành quyết định phát hành trái phiếu và trực tiếp tổ chức phát hành và thanh toán gốc, lãi trái phiếu đối với từng đợt phát hành.

Quốc Đạt

Chia sẻ bài viết lên facebook 47,957

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079