Theo Bản tin nợ công số 2 xuất bản tháng 10/2013 của Bộ Tài chính, đến hết năm 2012, tổng nợ công của Việt Nam là 55,7% GDP, vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế (dưới 65% GDP). Bộ Tài chính cũng như thành viên Chính phủ nhiều lần khẳng định nợ công chưa chạm trần nhưng tại các hội thảo khoa học, nhắc tới nợ công Việt Nam các chuyên gia đều không khỏi lo ngại.
Nợ công theo công bố chính thức của Việt Nam là 55,7% GDP, trong đó nợ Chính phủ 43,3%, nợ Chính phủ bảo lãnh 11,6% và nợ của chính quyền địa phương 0,8% GDP. Tiến sĩ Phạm Thế Anh - Quyền Viện trưởng Viện chính sách công và Quản lý (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng nếu tính cả nợ doanh nghiệp nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh và nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ công của Việt Nam phải lên tới 98,2% GDP. |
"Nợ công hiện là lĩnh vực nhạy cảm. Các cơ quan chức năng khẳng định nằm trong ngưỡng đề ra của kế hoạch. Song, phạm vi nợ công nên được xác định ra sao, tổng số theo đúng bản chất là bao nhiêu, đâu là ngưỡng tối ưu và đâu là trần an toàn vẫn sẽ là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận về an ninh tài chính của quốc gia", tiến sĩ Trịnh Quang Anh nhận định tại Hội thảo Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô 2014 - 2015 tổ chức mới đây. Theo ông, tâm điểm của 2014 sẽ phải là câu chuyện nợ công.
"Nếu cộng cả nợ doanh nghiệp Nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh và nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ công của Việt Nam sẽ phải lên tới 98,2% GDP", tiến sĩ Phạm Thế Anh - Quyền Viện trưởng Viện chính sách công và Quản lý (Đại học Kinh tế quốc dân) cho hay.
Theo vị này, ngoài 0,8% GDP nợ chính quyền địa phương đã được tính vào nợ công, cần đưa thêm khoảng 1,6% GDP nợ đọng xây dựng cơ bản đang để ngoại bảng vì con số này phát sinh phát sinh chủ yếu do thiếu giám sát trong phân cấp quản lý đầu tư, thiếu chế tài xử lý gây thất thoát vốn hoặc kéo dài dự án. Trong khi đó, nợ của doanh nghiệp Nhà nước đã được vị chuyên gia này nhiều lần cảnh báo sẽ là mầm mống đe dọa an toàn nợ công quốc gia khi một số doanh nghiệp rơi vào thua lỗ nhưng lại không thể cho phá sản.
"Hạch toán không đầy đủ, thậm chí có tình trạng che giấu thông tin, khiến Việt Nam không đánh giá hết thực trạng nợ công, dẫn tới coi nhẹ những khuyến nghị điều chỉnh chính sách nhằm bảo đảm tính bền vững", tiến sĩ Phạm Thế Anh nhận xét.
Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: MOF/Chinhphu.vn/Phạm Thế Anh |
Số liệu của Bộ Tài chính cho hay, năm 2007 nợ công của Việt Nam khoảng 33,8% GDP, tương đương 26,2 tỷ USD. Đến năm 2012, nợ công tính theo giá trị tuyệt đối đã tăng hơn 3 lần. Đặc biệt, số liệu chính thức cũng được cho là chưa phản ánh hết các rủi ro tiềm tàng, gây nguy cơ về một cú sốc thanh khoản trong tương lai.
Chiếu theo số liệu Tiến sĩ Phạm Thế Anh công bố, cứ 100 đồng tổng sản phẩm quốc nội được làm ra, người dân phải gánh hơn 98 đồng nợ, gia tăng so với mức 95 đồng đã được Ủy ban Kinh tế báo động trong báo cáo công bố hồi tháng 5 năm nay.
Không hoàn toàn tán đồng với việc tính nợ doanh nghiệp Nhà nước vào nợ công, nhưng quan sát những số liệu chính thức được báo cáo từ Bộ Tài chính, tiến sĩ Vũ Đình Anh cũng đã đánh giá: "Những năm gần đây nợ công tăng rất nhanh, như một đường dựng ngược và vượt qua các giới hạn tưởng như rất ngon lành. Tôi e rằng đầu năm 2015, trần nợ công an toàn đâu đó phải tới 80% GDP. Đấy là chưa tính đến những phần chúng ta cất đi để sau này tính".
Nợ công tăng đồng nghĩa tương lai Việt Nam sẽ phải dành thêm nhiều ngân sách để trả nợ gốc và lãi, một nỗi lo rất lớn trong bối cảnh "túi tiền" của quốc gia đang eo hẹp dần và cơ cấu nợ công đang có những biến đổi bất lợi.
Việt Nam đang có chiều hướng chuyển từ vay nợ nước ngoài sang vay nợ trong nước khi tính đến cuối năm 2012, nợ nước ngoài còn chiếm 53,4% tổng nợ công và có xu hướng giảm, còn nợ trong nước lại đang tăng lên. "Việc giảm lệ thuộc vào nước ngoài và tránh được rủi ro tỷ giá chưa hẳn là một tín hiệu tốt", vị này nhận định, nguyên nhân do các khoản nợ trong nước đáo hạn nhanh và lãi suất cao hơn.
Các khoản nợ nước ngoài thường có kỳ hạn tới vài chục năm, lãi suất bình quân cũng chỉ 2,6%, trong khi các khoản nợ trong nước (qua phát hành trái phiếu Chính phủ) kỳ hạn chỉ từ 2-5 năm và lãi suất lên tới 11%/năm. Tính riêng 500.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ đang lưu hành trên thị trường thì riêng tiền trả lãi cũng tới 60.000 tỷ đồng, tạo ra sức ép trả nợ gốc và lãi trong tương lai lớn, tiến sĩ Phạm Thế Anh cho biết.
Chung mối lo ngại trên, tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa bày tỏ sự "rùng mình" với sự đáo hạn quá nhanh của trái phiếu. "Tôi lo ngại với tốc độ tăng nhanh của nợ công vừa qua, thời gian đáo hạn tập trung vào 2014 - 2015 thì rất có thể Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong khả năng thanh toán", ông nhận xét.
Đơn vị: nghìn tỷ đồng. Nguồn: MOF/Phạm Thế Anh |
Một dấu hỏi lớn được đặt ra là nguồn trả nợ trong tương lai. Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Trung ương đặt giả thiết: "Giả sử có cú sốc về lãi suất, tỷ giá, hoặc một doanh nghiệp lớn nào làm ăn be bét khiến định mức tín nhiệm giảm, các nhà tài trợ ngừng cho vay, thanh khoản hệ thống ngân hàng có vấn đề, không mua trái phiếu để trả nợ trong nước thì nợ công sẽ ra sao?".
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng hiện Việt Nam chủ yếu đi vay mới chứ "gần như không nhìn thấy nguồn nào để trả nợ".
Nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Thế Anh cho biết, cơ cấu nguồn thu của Việt Nam có nhiều khoản không bền vững bởi phụ thuộc vào bên ngoài hoặc có nguy cơ cạn kiệt dần theo thời gian. Với việc thu nhập ngày càng tăng, nguồn thu từ viện trợ không hoàn lại đã giảm từ 0,61% GDP giai đoạn 2006-2010 xuống còn 0,31% GDP giai đoạn 2011 đến tháng 9/2013. Thu từ bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước và chuyển quyền sử dụng đất cũng có xu hướng giảm dần từ 2,35% GDP xuống 1,52% GDP. Bên cạnh đó, nguồn thu của Việt Nam cũng phụ thuộc nhiều vào bán dầu thô, song đây cũng là tài nguyên thiên nhiên hữu hạn và phụ thuộc vào giá cả thế giới.
"Trong trường hợp không vay được nữa thì sao? Lúc đó chỉ không trả được 1 tỷ USD thì cũng là vỡ nợ", Tiến sĩ Vũ Đình Ánh gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Các chuyên gia cho rằng đã tới lúc Việt Nam cần có cuộc cải cách tài khóa triệt để và toàn diện nhằm bảo đảm tính bền vững của nợ công. Trước hết, cần xây dựng một chuẩn mực tính toán nợ công theo thông lệ quốc tế nhằm có bức tranh chính xác hơn về triển vọng nợ công trong trung và dài hạn. Đặc biệt, nợ của khu vực doanh nghiệp Nhà nước nếu không tính vào nợ công thì phải được phân tích và báo cáo đầy đủ. Số lượng và tỷ trọng doanh nghiệp Nhà nước cần giảm dần thông qua cổ phần hóa triệt để. Phân cấp đầu tư công cũng cần rà soát lại và giám sát chặt chẽ, sàng lọc những dự án kém hiệu quả.
Ngoài ra, phải quan tâm đến câu chuyện sử dụng nợ công và trách nhiệm của nhà điều hành. "GDP năm 2013 khoảng 176 tỷ USD và ước tính nợ công khoảng 100 tỷ USD. Con số này không phải nhỏ và tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi đáo hạn. Do vậy, việc sử dụng nợ công sẽ rất quan trọng", tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho biết.
Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2013, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nhấn mạnh phải nhận thức lại việc sử dụng vốn vay, trong đó có nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) bởi "chúng ta vay hôm nay thì con cháu sẽ có trách nhiệm trả nợ".
Trước đó, vị này cho rằng vốn ODA đã từng được coi là khoản cho không vì 40-50 sau mới phải trả, lãi suất rất thấp. Nhưng giờ tình hình đã thay đổi khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình thấp, tỷ trọng vốn ưu đãi giảm đi và vốn vay thương mại tăng lên. Do vậy, phải sử dụng vốn vay hiệu quả hơn, đó cũng là sư thể hiện "trách nhiệm với các thế hệ sau", vị tư lệnh ngành Kế hoạch & Đầu tư thẳng thắn.
Phương Linh
Theo VnExpress