Quy định nguồn thu của ngân sách trung ương từ 01/01/2026 (Hình từ internet)
Quốc hội thông qua Luật Ngân sách nhà nước 2025 (Luật số 89/2025/QH15) vào ngày 25/6/2025. Quy định về lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, công khai, giám sát ngân sách nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực ngân sách nhà nước.
Trong đó, tại Điều 36 Luật Ngân sách nhà nước 2025 đã quy định về nguồn thu của ngân sách trung ương từ 01/01/2026 như sau:
(i) Các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% bao gồm:
(1) Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế nhập khẩu bổ sung;
(2) Thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ hàng hóa nhập khẩu;
(3) Thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi được chia cho nước chủ nhà và các khoản thu khác từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí;
(4) Viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức khác, cá nhân nước ngoài cho Nhà nước, Chính phủ Việt Nam;
(5) Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do các cơ quan nhà nước trung ương thực hiện. Các khoản phí thu từ hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
(6) Lệ phí do các cơ quan nhà nước trung ương thu, trừ lệ phí trước bạ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 38 Luật Ngân sách nhà nước 2025;
(7) Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước trung ương thực hiện;
(8) Thu nộp ngân sách nhà nước từ khai thác, xử lý tài sản công do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công;
(9) Các khoản thu hồi vốn của ngân sách trung ương đầu tư tại các tổ chức kinh tế; cổ tức được chia bằng tiền, lợi nhuận được chia tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức được Chính phủ giao là cơ quan đại diện chủ sở hữu; thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là cơ quan đại diện chủ sở hữu; chênh lệch thu lớn hơn chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau khi trừ khoản dự phòng rủi ro và trích lập các quỹ theo quy định của pháp luật;
(10) Thu từ quỹ dự trữ tài chính trung ương;
(11) Thu kết dư ngân sách trung ương;
(12) Thu chuyển nguồn từ năm trước chuyển sang của ngân sách trung ương;
(13) Thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu;
(14) Thu từ nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ ở nước ngoài;
(15) Thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện;
(16) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
(ii) Các khoản thu phân chia và tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương bao gồm:
(1) Thuế thu nhập doanh nghiệp (trừ thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí và thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu);
(2) Thuế thu nhập cá nhân;
(3) Thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ khoản hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ hàng hóa nhập khẩu;
(4) Thuế bảo vệ môi trường;
(5) Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước do cơ quan có thẩm quyền của trung ương cấp phép thực hiện phân chia: ngân sách trung ương hưởng 70%, ngân sách địa phương hưởng 30%;
(6) Thuế giá trị gia tăng (không bao gồm số thuế giá trị gia tăng được hoàn theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng) thực hiện phân chia: ngân sách trung ương hưởng 70%, ngân sách các địa phương hưởng 30%. Việc phân chia cho từng địa phương trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí trong từng giai đoạn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định;
(7) Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý quy định tại điểm (7) thuộc (i), các địa phương không nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 20%; ngân sách địa phương hưởng 80%. Các địa phương nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 15%; ngân sách địa phương hưởng 85%;
Luật Ngân sách nhà nước 2025 cũng giao Chính phủ xây dựng phương án tỷ lệ cụ thể phân chia từng khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương quy định tại các điểm (1), (2), (3) và (4) thuộc (ii), bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, tỷ lệ được ổn định lâu dài để chủ động ngân sách địa phương, trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Trong trường hợp có biến động lớn về thu, chi ngân sách nhà nước hoặc có chênh lệch lớn về số thu, chi ngân sách nhà nước giữa các địa phương cần phải điều chỉnh tỷ lệ phân chia các khoản thu cho phù hợp, Chính phủ xây dựng lại phương án tỷ lệ phân chia các khoản thu quy định tại các điểm (1), (2), (3), (4), (5) và (7) thuộc (ii), trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Trên đây là nội dung quy định về nguồn thu của ngân sách trung ương từ 01/01/2026.
Xem thêm chi tiết tại Luật Ngân sách nhà nước 2025 có hiệu lực từ ngày 01/01/2026. Luật Ngân sách nhà nước 2015 sẽ áp dụng đến hết ngày 31/12/2025.