Chính sách mới >> Tham nhũng 12/07/2013 08:43 AM

Thông thầu, đội giá: tham nhũng, tiêu cực ở đây

12/07/2013 08:43 AM

TT - Đó là nhận định của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi thảo luận dự án Luật đấu thầu (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 11-7.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng tồn tại lớn nhất hiện nay là tình trạng bỏ thầu thấp, sau đó kéo dài thời gian thi công, đợi khi nào có thay đổi giá để nâng giá lên. Rồi tình trạng đã trúng thầu giá thấp lại tiếp tục bán thầu cho nhà thầu phụ giá thấp hơn. Hậu quả là giá lúc đấu thầu thì thấp nhưng khi quyết toán lại thành giá cao, chất lượng công trình thì kém.

Giá thấp thành giá cao

"Các đồng chí thử tìm xem có công trình giao thông nào mà không đội giá? Thậm chí đội giá vô cùng lớn"

Ông Nguyễn Sinh Hùng

“Một trong những nguyên nhân chính là lựa chọn nhà thầu không đảm bảo năng lực (tài chính, kỹ thuật). Các dự án đem ra đấu thầu thiên về giá, không coi trọng yếu tố kỹ thuật. Chúng tôi giám sát thấy nhiều công trình yếu tố kỹ thuật không tốt, làm xong đưa vào sử dụng rất nhanh hỏng, phải sửa, làm lại” - ông Hiển cho hay. Ông đề nghị quy định về đấu thầu phải rất chặt chẽ yếu tố kỹ thuật.

“Yếu tố kỹ thuật trong đấu thầu rất quan trọng, nhưng nếu quy định không chặt chẽ thì người ta sẽ lách luật, hậu quả là không chọn được công nghệ, kỹ thuật hiện đại” - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng lên tiếng. Ông nêu ví dụ: “Chỉ một cái điện thoại thông minh, hãng sản xuất khác nhau nhưng có thể có các thông số kỹ thuật hoàn toàn giống nhau, trong khi có loại chỉ có vài triệu, có loại vài chục triệu. Ở đây phải lưu ý đến trình độ công nghệ, xuất xứ của sản phẩm. Hay nhà máy nhiệt điện, thông số kỹ thuật là vậy, nhưng mua nhà máy xuất xứ từ nước này thì về chạy là trục trặc ngay, sửa đi sửa lại mãi vẫn không vận hành được, trong thực tế có chuyện đó rồi, nhưng nếu mua công nghệ xuất xứ từ nước khác thì về chạy ngon lành. Luật phải quy định rất kỹ mới xử lý được tình trạng này”.

Riêng về đấu thầu giá thuốc, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị không nên giao Chính phủ quy định mà cần phải quy định rõ ràng, có một chương riêng về đấu thầu giá thuốc trong luật. “Tôi xin lưu ý rằng lâu nay chúng ta cũng thực hiện theo các quy định, nhưng giá thuốc đấu thầu vẫn cao hơn giá thuốc trên thị trường. Như vậy là có vấn đề về quản lý nhà nước về giá thuốc. Năm 2012, chúng ta điều chỉnh quy định về đấu thầu thuốc thì đã tiết kiệm được vài nghìn tỉ đồng” - bà Mai nói. Bà cho biết hiện nay ở VN chi phí thuốc chiếm 60% trong chi phí điều trị, có bệnh viện chiếm tới 70-80%, ở các nước phát triển chỉ 30%. “Nếu chúng ta có cơ chế quản lý tốt, giá thuốc đấu thầu thích hợp thì chi phí thuốc trong điều trị sẽ giảm. Trong giá thuốc, nếu không có bàn tay của Nhà nước thì người dân đầu hàng, bởi người dân không thể trả giá được” - bà Mai nói.

Phải chấm dứt điều chỉnh giá

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án luật phân tích, làm rõ tình trạng tiêu cực do thông thầu, cố tình kéo dài thời gian để điều chỉnh giá. “Các đồng chí thử tìm xem có công trình giao thông nào mà không đội giá? Thậm chí đội giá vô cùng lớn. Vừa rồi rà soát thì thấy có dự án chênh lệch hàng nghìn tỉ đồng. Dây dưa, cố tình kéo dài để điều chỉnh giá, cuối cùng giá công trình giao thông, công trình xây dựng cao nhất thế giới. Thông thầu, tiêu cực như vậy mà không bắt được. Chống tham nhũng, chống tiêu cực là chống ở cái chỗ này đây” - ông Hùng nói. Ông yêu cầu khi trình dự án luật lên Quốc hội thì phải khẳng định tình trạng tiêu cực trên phải được chấm dứt bằng các quy định thật thuyết phục.

“Tôi không đồng ý điều chỉnh giá. Đã đấu thầu rồi thì giá ấy là giá cuối cùng. Khi đấu thầu thì các yếu tố rủi ro, tăng giá phải tính cả vào rồi. Các đồng chí (lãnh đạo các bộ) đều biết hết các mánh lới ấy rồi, vậy thì điều chỉnh vào luật đi. Đây là đạo luật rất quan trọng đối với công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí” - Chủ tịch Quốc hội đề nghị. Phúc đáp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Cao Viết Sinh nói: “Chủ tịch Quốc hội đặt ra yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thông thầu, đội giá thì quả thật đây là vấn đề đại sự. Trong đấu thầu có nhiều loại: thứ nhất là đấu thầu trọn gói, chỉ một giá thôi, lỗ lãi anh chịu. Nhưng muốn vậy tình trạng kinh tế vĩ mô phải rất ổn định: đó là lạm phát, tỉ giá, lãi suất. Tuy nhiên, chúng ta thì kinh tế vĩ mô kém ổn định: lạm phát cao, tỉ giá hay bị điều chỉnh, lãi suất cao làm cho giá cả vật liệu tăng lên. Ngay cả Nhà Quốc hội chúng ta đang xây dựng cũng không thể giữ được tổng mức đầu tư ban đầu”.

Không chấp nhận cách giải thích này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các yếu tố rủi ro, trượt giá đều có thể tính được vào giá khi đấu thầu. “Bây giờ phải sòng phẳng, công khai, minh bạch thì mới chống tham nhũng, tiêu cực được. Quá trình thực hiện lỗi thuộc về ông nào thì ông ấy phải chịu (ví dụ giải phóng mặt bằng chậm làm giá tăng lên thì ông chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng phải chịu). Một hệ thống nhà nước mà không ai chịu trách nhiệm thì rất gay go” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Xử lý người đứng đầu để chống lãng phí

Thảo luận về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng mấu chốt của vấn đề cần phải xử lý là lâu nay lãng phí nhiều, nhiều người nói rằng còn hơn cả tham nhũng mà không thấy ai bị xử lý gì cả. “Luật quy định người đứng đầu thứ nhất là phải giải trình, thứ hai là có trách nhiệm xử lý việc để xảy ra lãng phí. Điều quan trọng là phải bồi thường với những hành vi gây lãng phí” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển nói.

LÊ KIÊN

Tuổi trẻ

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,076

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079