Tòa án nhân dân tối cao ban hành Kế hoạch 66/KH-TANDTC thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực năm 2025.
Mục đích của Kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại; loại bỏ các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án nhân dân kỷ cương, liêm chính.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng; tạo chuyển biến rõ rệt về ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị là một trong những nhiệm vụ giải pháp đề ra tại Kế hoạch 66/KH-TANDTC năm 2025.
1. Chủ động xây dựng kế hoạch để thực hiện việc kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập và chế độ báo cáo về công tác kê khai, công khai theo quy định.
- Đơn vị thực hiện: Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao
- Thời hạn thực hiện:
+ Việc kê khai hàng năm, kê khai bổ sung của năm 2025 thực hiện vào cuối năm 2025, đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/12/2025;
+ Việc kê khai lần đầu phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày cán bộ, công chức được tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác;
+ Việc kê khai phục vụ công tác cán bộ phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày trước ngày dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác.
2. Tổ chức xây dựng kế hoạch, tiến hành xác minh tài sản, thu nhập hằng năm của người có chức vụ, quyền hạn trong Tòa án nhân dân. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kê khai tài sản và thu nhập đối với các đối tượng phải kê khai, tổng hợp, báo cáo kết quả kê khai theo quy định.
- Đơn vị thực hiện: Thanh tra chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.
- Thời hạn thực hiện: Theo Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2025 được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phê duyệt.
- Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải nêu gương, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các giải pháp, biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong đơn vị và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc có dấu hiệu vi phạm; xác định công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
- Thực hiện nghiêm Kết luận 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng về hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Quán triệt thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong ngành Tòa án; Chỉ thị 03/CT-TA ngày 12/12/2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc tăng cường thực hiện kỷ cương, kỷ luật công vụ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong các Tòa án nhân dân.
- Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
+ Đơn vị thực hiện: Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.
+ Thời gian thực hiện: Thường xuyên.