Chính sách mới >> Tham nhũng 07/03/2015 08:33 AM

Án tham nhũng bị vướng giám định

07/03/2015 08:33 AM

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện việc giám định phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng.

Sáng 6-3, Ban chỉ đạo thực hiện đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” họp phiên thứ 4. Tại phiên họp này, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, cho biết hiện có nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân giám định tư pháp vụ việc còn từ chối, né tránh giám định tư pháp trong những vụ án liên quan đến tội phạm kinh tế, tội phạm có chức vụ, quyền hạn và tội tham nhũng vì ngại đụng chạm.

Đình chỉ vụ án vì thiếu kết quả giám định

Theo ông Tuấn, khi không muốn giám định tư pháp, các tổ chức giám định và giám định viên thường viện dẫn lý do không đủ người, không đủ chuyên môn, không đủ thời gian thực hiện. Nếu họ có nhận giám định thì cũng chậm thực hiện hoặc kết luận giám định thiếu rõ ràng.

Mặt khác, cũng có vụ giám định viên hoặc tổ chức giám định né tránh, ngại giám định vì đưa ra kết luận giám định sẽ rất đụng chạm. “Từ đó, có những vụ án đành phải đình chỉ vì thiếu kết quả giám định và không thể xử lý hơn được nữa. Cũng có vụ kéo dài do chờ kết quả giám định” - ông Tuấn nêu thực tế.

Thêm vào đó, kinh phí thấp, việc chi trả chậm cũng khiến cho việc giám định tư pháp gặp khó. Một số vụ án tham nhũng có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thường liên quan đến hợp đồng ngoại như mua tàu, mua ụ nổi, hợp đồng mua dây chuyền sản xuất có giá trị lớn hoặc đối tượng giám định có hàm lượng công nghệ cao… nên khó xác định thời hạn vì phải sang nước ngoài giám định và phải phụ thuộc vào cơ quan nước ngoài.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo đề án 258 ở cấp trung ương, phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Cần chế tài những trường hợp né giám định

Theo ông Tuấn, thực tế vướng mắc như vậy nhưng Luật Giám định tư pháp lại thiếu chế tài đối với cơ quan giám định từ chối giám định, né tránh giám định hoặc kết luận giám định sai, không rõ ràng.

 “Đề nghị Chính phủ sớm quy định rõ việc chế tài đối với các trường hợp này” - ông Tuấn nói.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành quy định về tài chính trong giám định để phục vụ án này.

Tập trung phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong năm 2015, các bộ, ngành cần thực hiện nghiêm túc việc soạn thảo, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản để triển khai thực hiện đề án, Luật Giám định tư pháp, hoàn thành trong quý II-2015.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an ban hành quy chế phối hợp giữa trung tâm pháp y cấp tỉnh và phòng kỹ thuật hình sự thuộc công an cấp tỉnh, các cơ quan liên quan trong việc tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định pháp y; xây dựng, triển khai đề án củng cố tổ chức giám định pháp y, thành lập Viện Pháp y tâm thần miền Nam tại Đồng Nai.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế phối hợp giải quyết kịp thời tiền bồi dưỡng giám định, chi phí giám định của các cơ quan điều tra đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định hoặc tham gia vào hoạt động giám định tư pháp.

Các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung thực hiện việc giám định phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng, không để tồn đọng ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng.

TP.HCM đề xuất được giám định hàm lượng ma túy

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho hay nhu cầu giám định hàm lượng ma túy tại TP.HCM hiện nay rất lớn, trong khi chỉ có một cơ quan duy nhất là Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thực hiện dẫn đến tình trạng quá tải. Vì vậy ông Hạnh đề nghị Bộ Công an cung cấp mẫu chuẩn về giám định hàm lượng ma túy để TP thực hiện. Theo ông Hạnh, năng lực và nhân lực của TP.HCM hiện nay có thể đảm đương được việc này để giảm tải cho Viện Khoa học hình sự và phục vụ kịp thời nhu cầu của TP hiện nay.

Đề nghị thành lập Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương tại Biên Hòa

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cũng đề xuất thành lập Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương tại Biên Hòa, Đồng Nai để tạo điều kiện thuận lợi trong công tác giám định tâm thần khu vực phía Nam. Vì kết quả giám định pháp y tâm thần khu vực phía Nam hiện nay phải chuyển ra Viện Giám định pháp y tại Hà Nội ký nhận. Như vậy vừa mất thời gian, trong khi người ký cũng không dám ký vì không sát thực tế tại các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết thêm Luật Giám định tư pháp quy định chỉ có một viện giám định pháp y tâm thần trung ương còn lại trung tâm giám định khu vực. Vì vậy nếu chuyển phân viện tại Biên Hòa thành viện trung ương thì vướng luật. Vì vậy ông Cường đề nghị Bộ Y tế xây dựng đề án cụ thể xem có cần thiết thêm Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương nữa không và nên thành lập viện này ở TP.HCM hay Đồng Nai.

Tại phiên họp, đại diện VKSND Tối cao cũng nêu lên vướng mắc khi một số vụ án có kết luận giám định khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về cũng một đối tượng giám định. “Tình trạng này xảy ra nhiều ở giám định tỉ lệ thương tật. Ví dụ một vụ việc gây thương tích xảy ra cần giám định để xem tỉ lệ thương tích trên hay dưới 11% để xác định có cấu thành tội phạm hình sự hay không thì có giám định kết quả 11%, có giám định dưới 11%. Điều này gây ra những khó khăn không nhỏ trong xử lý vụ án” - đại diện VKSND Tối cao dẫn chứng.

THU HẰNG

Theo phapluattp.vn

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,644

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079