Một vài cảm nghĩ về tính độc lập của luật sư khi hành nghề

28/07/2016 09:49 AM

Nếu tôi biết đến với ngành luật bắt đầu từ những ngày còn học phổ thông khi được thầy giáo truyền dạy những tự do cơ bản của con người được ghi tại Bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948 thì hình ảnh khá dũng cảm đầu tiên của tôi đối với Luật sư khi tiếp cận với giòng sử Việt chính là Luật sư Lô-dơ-bi đã bào chữa thành công cho bác Hồ trước Tòa án của Anh quốc tại Hong Kong vào năm 1931.

luật sư Tôn Thất Quỳnh BằngLs.Tôn Thất Quỳnh Bằng

Tôi cũng hiểu rằng, tại thởi điểm đó  Ls Lô-dơ-bi (Loseby) chỉ có thể làm tròn được chức năng bào chữa nếu  không bị lệ thuộc vào chính quyền Hongkong lúc đó đang có nhiều quan hệ mật thiết với chính quyền Đông dương. Hình ảnh đó làm cho tôi xác tín rằng người Luật sư khi hành nghề phải đứng trên đôi chân độc lập không nương tựa cũng như không chịu ảnh hưởng vào và của bất cứ ai, bất cứ thế lực nào. Nếu cảm giác của tôi tại thời điểm đó là sự kính nể đối với Luật sư khi dám và phải đương đầu với nhiều khó khăn từ nhiều phía thì về sau tôi lại cảm nhận và hiểu rằng Luật sư khi hành nghề muốn được độc lập không phải đơn giản như mình nghĩ.

Trong những ngày đầu tiên đến với trường Luật cũng như các bạn đồng môn, tôi hiểu được sự liên kết và tác dụng hổ tương của các sự kiện xảy ra trong xã hội trong vòng tròn phân tích- tổng hợp- phân tích- tổng hợp và cứ thế tiếp diễn không ngừng. Điều này chúng tôi học được từ bài diễn văn chào mừng các tân sinh viên của vị thầy thay mặt Hội đồng Khoa tại trường Luật Sài Gòn và sau đó được phổ biến rộng rãi đến những ai theo học ngành luật. Vị thầy ngày xưa đã nói với chúng tôi rằng “mọi sự việc xảy ra trong xã hội đều được cô đọng trong vài điều luật và việc giải quyết những mâu thuẫn các quan hệ trong xã hội cũng được cô đọng trong một số điều luật”. Nhà làm luật đã phải phân tích các dữ kiện đó để rồi tổng hợp lại trong một vài điều luật và người thi hành luật cũng như áp dụng luật cũng phải từ những điều khoản đã được cô đọng để phân tích trở lại nhằm áp dụng cho đúng theo từng trường hợp. Vì vậy ngay từ những bước chân tập tễnh với ngành Luật cũng như về sau trong giai đoạn tập sự Luật sư; các thầy giáo cũng như Luật sư Patron/Ls hướng dẫn luôn luôn đòi hỏi ở chúng tôi một tư duy mà tư duy này không chỉ trên những điều luật cố hữu mà là một tư duy có tính sáng tạo và cần được sáng tạo nhằm phù hợp với sự tiến triển nhiều mặt của xã hội. Các bậc đàn anh cũng nhấn mạnh rằng sự tư duy nhằm phát sinh và nuôi dưỡng sự sáng tạo đó chỉ có thể nảy sinh, phát triển và được tôn trọng trong một môi trường làm việc độc lập. Với tham vọng đi lên từ tư duy nhằm có được sáng tạo…cùng hình ảnh khá dũng cảm của vị Luật sư mà tôi có dịp chứng kiến khả năng hùng biện cũng như tính lý luận sắc bén; tôi bước chân vào nghề Luật sư.

Khi vào nghề, theo truyền thống vì chịu ảnh hưởng của hệ thống tư pháp và tổ chức luật sư của Pháp; các tân Luật sư phải tuyên thệ với lời thề mà tôi không còn nhớ nguyên văn; đại ý là phải hành nghề với đầy đủlương tâm, trong tinh thần độc lập. Tinh thần độc lập của Luật sư có thể được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau; trước hết là độc lập đối khách hàng, sau nữa là độc lập với các cơ quan tiến hành tố tụng và nhằm bổ sung cho hai độc lập trên là độc lập ngay đối với đồng nghiệp. Nếu khi hành nghề mối khi Luật sư xem, tôn trọng, có được cũng như bảo vệ được tinh thần độc lập thì khách hàng sẽ nhận được sự bảo đảm về quyền được hưởng dịch vụ pháp lý từ Luật sư một cách khách quan mà không xuất phát từ lợi ích cá nhân của Luật sư hay bởi một áp lực nào đến từ bên ngoài để làm trái pháp luật. Chính vì vậy một trong các bài học đầu tiên tôi được học từ Luật sư Patron là “Khi anh hành nghề Luật sư, anh phải tâm niệm một điều… đó là phải bảo vệ lẽ phải trên cơ sở của những quy định luật pháp- và để đạt được điều này anh phải biết và phải hành nghề với trọn vẹn tinh thần độc lập”. Vị thầy đàn anh của tôi còn nhắc nhở “Anh phải hiểu nghề nghiệp mà anh chọn và theo đuổi trước hết phải đưa tới danh dự chứ không phải tới giàu sang phú quí; vì vậy anh phải dám coi rẻ những hành vi trục lợi không khó nhọc, không công phu, không hao tổn trí tuệ mà ngược lại anh phải tận hiến hết khả năng cũng như lương tâm của mình cho nghề nghiệp và mỗi khi thành công sẽ tận hưởng được cái vinh dự mà xã hội dành cho anh”.  Mấy chục năm trôi qua, lời dạy chân thành đó với tôi vẫn là kim chỉ nam mà một số anh em đồng nghiệp thân hữu thường đùa và nhắc nhở với nhau là “gắng giữ cái trong sáng của nghề và người Luật sư cũng như của quảng đời còn lại”.

Hôm nay trong không khí vui mừng của ngày kỷ niệm 20 năm thành lập Đoàn; trong thời gian giới hạn mà ban tổ chức đã ưu ái đặc biệt dành cho tôi; tôi xin được trình bày cái nhìn của tôi chỉ riêng ở góc độ tính độc lập khi hành nghề Luật sư mà không phải vô tình được các nhà làm luật đưa vào một trong những nguyên tắc hành nghề Luật sư tại Luật luật sư 2006 và xếp vào Quy tắc 2 của Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư chỉ sau Quy tắc 1 về Bảo vệ công lý và nhà nước pháp quyền.

Tính độc lập đối với khách hàng: Quyền tự do thiết lập giao dịch

Trái với những ngành nghề khác, Luật sư không tạo ra một sản phẩm cụ thể mà luật sư chỉ cung ứng các dịch vụ hay những sản phẩm trí tuệ cho khách hàng. Tùy tính chất của dịch vụ, tùy uy tín của Luật sư và tùy khả năng của khách hàng, Luật sư sẽ được khách hàng chi trả một khoản thù lao để đổi lại dịch vụ mà Luật sư sẽ cung cấp. Trong ngôn ngữ phổ thông, người Pháp thay vì dùng từ Salaire để ám chỉ tiền công mà người lao động nhận được từ người sử dụng lao động hay từ người thuê dịch vụ cho người cung cấp dịch vụ thì với Luật sư mỗi khi cung cấp dịch vụ; khoản tiền mà Luật sư cũng như  Bác sĩ, Kiến trúc sư nhận được từ khách hàng người Pháp sử dụng là Honoraires. Từ này có nguồn gốc từHonorabilité, Honorable (tôn kính, danh dự); nên tiền công của Luật sư nhận từ khách hàng được xem là “Tiền nhận có tính danh dự” và được khách hàng chi trả với sự tôn kính bởi vì Luật sư là người đại diện và bảo vệ cho lợi ích hợp pháp của khách hàng cũng như lợi ích chung của xã hội chứ không mang tính chất đơn thuần của người làm công cho khách hàng và tuân theo ý của khách hàng. Phải chăng đó lý luận của thời kỳ mà nghề Luật sư dành riêng cho một tầng lớp quý tộc của xã hội phong kiến? Nhưng với tôi ngay trong bối cảnh kinh tế hiện hành, tôi vẫn nghĩ tiền công mà Luật sư nhận từ khách hàng phần nào vẫn toát lên niềm vinh dự mà khách hàng dành cho Luật sư mỗi khi Luật sư đem hết khả năng, lương tâm và trách nhiệm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho khách hàng. Việc xác định được tính danh dự nói trên đồng nghĩa với việc Luật sư luôn luôn tự nhắc nhở là mình phải làm việc với tinh thần tôn trọng sự thật, nói những sự thật hoặc tin rằng đó là sự thật. Muốn được như vậy Luật sư phải có tính độc lập đồng thời duy trì được tính độc lập trước hết đối với khách hàng mà không bị khách hàng lôi kéo mình theo hướng đi của họ thông qua uy lực của đồng tiền do khách hàng chi trả. Vì thế cái quyền đầu tiên của Luật sư đối với khách hàng là quyền được tự do quyết định cung cấp hay không cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng nhưng cũng như tất cả mọi quyền dân sự khác Luật sư cũng không thể lạm dụng quyền tự do kết ước này.

Khách hàng đến với Luật sư trước hết vì họ ở đang vị cô thế trước các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc ít ra là cô thế ngay trước đối phương của mình; sau nữa vì họ cần tìm một sự bảo đảm về mặt tinh thần vì họ tin ở khả năng chuyên môn của Luật sư, ở nghề nghiệp mà xã hội đã phân công chứ không phải tin và nhờ Luật sư làm cái cầu tiếp nối cho các cơ quan liên quan. Vì vậy ngoại trừ những trường hợp mà Luật hoặc các văn bản điều chỉnh nghề Luật sư cho phép thì Luật sư không thể từ chối yêu cầu giúp đỡ của khách hàng nếu Luật sư cảm nhận rằng vụ án, vụ kiện này phức tạp hay vụ án vụ kiện kia có tính nhạy cảm và nếu nhận giải quyết thì sẽ ảnh hưởng đến công việc của mình trong tương lai. Luật sư cũng không thể từ chối việc bào chữa cho một bị cáo trước Tòa án vì cho rằng các yếu tố cấu thành tội phạm đã hội đủ vì như vậy Luật sư đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội mà Luật hình sự đã dành cho tất cả mọi người và vô tình Luật sư đã thay Tòa án quyết định. Luật sư từ chối giúp đỡ cho họ thì ai sẽ đảm nhận trọng trách này? Trong các trường hợp trên Luật sư đã tự ý từ bỏ chức năng cao quý mà xã hội đã trân trọng dành cho mình và tinh thần độc lập của Luật sư đã bị chính Luật sư lạm dụng. Vì vậy chỉ trong trường hợpLuật sư qua tâm tín xét thấy khách hàng có ý định sử dụng dịch vụ pháp lý mà Luật sư sẽ cung cấp cho những mục đích bất hợp pháp hoặc để thực hiện các hành vi trái pháp luật; Luật sư mới có quyền từ chối việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Tính độc lập này còn được thể hiện ở việc Luật sư sẽ từ chối cung cấp một dịch vụ pháp lý dù có yêu cầu của khách hàng nếu Luật sư đã không thể đồng quan điểm giải quyết vụ việc của vị đồng nghiệp đã nhận yêu cầu trước đó của khách hàng. Quyền từ chối này được đặt trên cơ sở quyền lợi của khách hàng.

Tuy nhiên trong vòng vận hành của nền kinh tế thị trường với sự lên ngôi của đồng tiền đôi khi khách hàng lại chỉ xem Luật sư như chỉ là người cung cấp dịch vụ trên cơ sở và theo yêu cầu của họ. Đi xa hơn nữa một số ít khách hàng lại muốn xem Luật sư như một cái cầu giữa họ đối với một vài người liên quan. Vì thế một số khách hàng thường sử dụng từ “THUÊ LUẬT SƯ” mỗi khi có yêu cầu Luật sư cung cấp dịch vụ; trong khi khách hàng lại không sử dụng từ này đối với Bác sĩ hay Giáo sư trong những trường hợp tương tự. Đối với khách hàng vì nghĩ mình là thượng đế, nên quan hệ giữa họ và Luật sư trở nên một quan hệ “gần như có tính bán buôn”. Tôi nói như vậy vì trong khung cảnh của luật viết hiện hành và trong chừng mực nào đó, Luật sư được đồng hóa như là một doanh nhân. Vì là doanh nhân nên lợi nhuận cùng lợi ích có thể đưa ra là mục tiêu hàng đầu cho cả hai bên “luật sư lẫn khách hàng”. Ở góc độ khách hàng vì nghĩ đến bán buôn nên tâm lý của khách hàng phần đông đều muốn có sự bảo đảm thành quả từ phía Luật sư cung cấp dịch vụ cho họ; nhưng Luật sư thì không được quyền cam kết về thành quả mà mình chắc chắn sẽ mang lại cho khách hàng như các quan hệ dân sự khác. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm của nhiều luật gia xem nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng là nghĩa vụ cần mẫn, là nghĩa vụ phương tiện theo đó “Luật sư phải tiến hành một công việc không bó buộc đạt kết quả nhưng Luật sư phải làm hết sức mình để đạt được kết quả”; nhưng giải thích và thuyết phục cho khách hàng hiểu được điều này không phải là dễ dàng nhất là đối với các Luật sư vừa bước chân vào nghề. Không cam kết về kết quả như đã được quy định tại quy tắc 13 mà chỉ giải thích cho khách hàng hiểu rõ tính pháp lý, khả năng giải quyết vụ việc..cũng  chính là tinh thần độc độc lập của nghề Luật sư trước yêu cầu của khách hàng. Tôi đâ gặp trường hợp khách hàng sau khi trình bày nội dung của tranh chấp và yêu cầu của mình; khách hàng hỏi tiếp Luật sư có quen thân với Thẩm phán phụ trách vụ án này không? Ngầm hiểu đằng sau câu hỏi của khách hàng, tôi chỉ trả lời “Tất cả quan hệ chỉ là quan hệ công việc” Và như thế có thể tôi mất đi một khách hàng. Cũng đừng trách khách hàng vì họ có quyền như vậy; vấn đề còn lại là Luật sư có tỉnh táo để giữ được sự độc lập của mình hay không?  Cũng cách đây khá lâu tôi nhận bảo vệ cho một khách hàng trong vụ kiện dân sự . Rủi thay ngày Tòa mở phiên Tòa tôi lại bận vì phải đi công tác ngoại tỉnh. Tôi gặp vị Thẩm phán phụ trách hồ sơ ngỏ ý xin hoãn và được chấp thuận nhưng khách hàng tôi lại không muốn và chỉ yêu cầu tôi gửi bài phát biểu đến Tòa người này còn nói thêm “Luật sư cứ gửi bài phát biểu để Tòa đính vào hồ sơ, thế là đủ….”. Hụt hẵng nhưng vì kém bản lĩnh, tôi biết làm sao hơn vì ý chí của khách hàng phải chăng là ý chí của Thượng đế! Tôi nhắc lại chuyện đó vì mới đây một bị cáo đã nhờ tôi bào chữa trong một vụ án hình sự và người này cũng nói với tôi một câu tương tự, Luật sư giúp em phát biểu trước Tòa và xin hưởng án treo và thế là xong …Bởi vậy với tôi giữ được sự độc lập đối với khách hàng đôi khi còn khó hơn giữ sự độc lập đối với các người/cơ quan tiến hành tố tụng. Tinh thần này bắt đầu khởi điểm ngay khi tiếp cận với yêu cầu của khách hàng chứ không phải đến khi đối diện với các cơ quan tiến hành tố tụng

Một khía cạnh khác của tính độc lập khi hành nghề Luật sư là Luật sư được toàn quyền chọn cho mình phương thức cũng như các luận cứ bào chữa hay bảo vệ quyền lợi cho khách hàng gần như một cách tuyệt đối mà không có sự can thiệp của khách hàng. Luật sư có quyền từ chối lời yêu cầu của khách hàng để không đưa nội dung bào chữa hay phát biểu trước Tòa. Trong trường hợp cần thiết Luật sư chỉ có thể thông báo cho khách hàng biết hướng giải quyết vụ án/vụ kiện hoặc sẽ thuyết phục khách hàng phải chấp nhận quan điểm của mình nhằm giải quyết vụ việc phù hợp với luật pháp. Nếu khách hàng vẫn không đồng ý Luật sư có quyền từ chối việc cung cấp dịch vụ.

Một trường hợp nhạy cảm cũng có thể xảy ra đối với các Luật sư làm việc tại các tổ chức hành nghề Luật sư với tư cách là người được trả lương; họ đích thực là người lao động và Trưởng cơ sở hành nghề là người sử dụng lao động. Trong trường hợp này liệu Luật sư được trả lương có được quyền hưởng tinh thần độc lập khi hành nghề không? Họ có được toàn quyền xử lý hồ sơ vụ việc được cơ sở phân công hay phải tuân theo sự chỉ đạo của Luật sư Trưởng cơ sở hành nghề. Ở góc độ người sử dụng lao động, Trưởng cơ sở có được quyền này vì quan hệ lao động một phần được đặt trên quan hệ kỷ luật; nhưng nếu bị điều chỉnh bởi Luật luật sư; sự can thiệp của Trưởng cơ sở hành nghề có phải là một sự can thiệp có tính lạm quyền không? Đây là một vấn đề nhạy cảm và đã có nhiều ý kiến trái ngược thể hiện trong một cuộc Hội thảo được Đoàn Ls Thành phố HCM tổ chức trước đây với sự tham gia của nhiều Ls nước ngoài.

Tính độc lập đối với cơ quan tiến hành tố tụng

Với Bác sĩ, khách hàng là bệnh nhân và bệnh nhân luôn luôn nói thật căn bệnh của mình. Nhưng đối với Luật sư thì khách hàng thường không nói hết sự thật với Luật sư. Họ chỉ trình bày hoặc cung cấp tài liệu chứng cứ được xem là có lợi cho mình để Luật sư ứng xử theo hướng có lợi cho khách hàng. Trong quá trình hành nghề tôi nghĩ rằng không riêng gì tôi mà các đồng nghiệp cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh một bị cáo luôn luôn phủ nhận một phần hay toàn phần hành vi bị truy cứu, trong khi những tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ lại thể hiện một hướng ngược lại. Một trường hợp tương tự cũng đặt ra cho Luật sư phải tìm cách ứng xử trong một vụ án có nhiều bị cáo mà trách nhiệm hình sự có thể đối lập nhau. Trong trường hợp này Luật sư cũng phải hiểu không thể bào chữa cho khách hàng của mình bằng cách buộc tội bị cáo khác để gián tiếp trở thành đại diện thứ ba của Viện Kiểm sát. Nếu Luật sư hành sử ngược lại Luật sư cũng tự mình đánh mất đi tính độc lập của nghề Luật sư vì chức năng của Luật sư là bào chữa cho bị cáo.

Một bản án được tuyên dù là hình sự hay dân sự nó ảnh hưởng trực tiếp đến các người tham gia tố tụng; gián tiếp đến thân nhân của họ nhưng lại có tác động đến tâm lý của nhiều người trong xã hội. Luật sư chỉ có thể góp phần vào việc hoàn thiện để Tòa án đưa ra một bản án công bằng, hợp lý nhằm phù hợp với các quy định của luật pháp nếu Luật sư giữ được tinh thần độc lập trước các cơ quan và người tiến hành tố tụng. Góp phần tạo nên một bản án công bằng và đúng luật là chung sức tạo nên một xã hội văn minh là gián tiếp bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Vì vậy những đóng góp về mặt trí tuệ nhất là tại các vụ án có tính phức tạp hay nhạy cảm nếu được Tòa thừa nhận thì sự đóng góp này đã góp phần làm thêm vẻ đẹp của nội dung bản án. Mỗi khi Luật sư làm tròn chức năng của mình với đầy đủ tinh thần độc lập thì chính những đóng góp của Luật sư đích thực đã thể hiện tình nhân ái của con người với con người.

Nhưng để có thể đưa ra một bản án công bằng và đúng luật thì tất cả các quan hệ nhất là quan hệ giữa Luật sư với những cơ quan, những người tiến hành tố tụng phải được thiết lập trên mối quan hệ công. Mối quan hệ công nếu thuần túy thì phải đặt trên cơ bản của mối "quan hệ đô thị"  chứ không phải là "quan hệ làng xóm" hay còn gọi là “quan hệ nghĩa tình” tức là mọi sự việc đều được giải quyết trên cơ sở quy định của luật pháp hơn là được giải quyết trên cơ sở nghĩa tình. Tôi nói đến mối "quan hệ đô thị" vì chỉ có mối quan hệ này mới đem lại sự tỉnh táo cho người trực tiếp hay gián tiếp giải quyết vụ việc còn không thì hình như mọi giải pháp và quyết định được đưa ra đều có tính ban phát như một ly cà fê không đường cùng một cái bánh ngọt và mỗi người nếm một chút vị đắng lẫn vị ngọt trong đó có phần nào trách nhiệm của Luật sư vì đã không tôn trọng tính độc lập của nghề mà mình đã chọn và đã đem tâm huyết ra mà sống với nghề.

Tuy nhiên Luật sư độc lập trong hoạt động hành nghề không có nghĩa là tự tách hoạt động của mình ra khuôn khổ của các hoạt động tố tụng khác.Tính độc lập nói trên không thể đồng nghĩa với sự cô lập, tự tách mình ra, coi mình là tuyệt đối, mà nó cần hòa quyện trong trật tự của một nền pháp chế thống nhất.Cónhư vậy Luật sư sẽ đảm bảo được tính độc lập trong hành nghề mà vẫn giữ được sự tôn trọng từ các cơ quan tố tụng và người tiến hànhtố tụng. Vì vậybảođảmđược sự độc lập của mình, người luật sư phải tuân thủ các quy tắc trong quan hệ với cơ quan tố tụng; ví dụkhông được cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ mà biết rõ không xác thực và đi xa hơn nữa không được móc nối, lôi kéo cán bộ làm việc trái quy định của pháp luật…Luật sư có thể trao đổi ý kiến về nghiệp vụ với người tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết án nếu xét thấy cần thiết và có lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, luật sư phải giữ tính độc lập, không bị chi phối hoặc lệ thuộc vào ý kiến khác làm ảnh hưởng tới xây dựng quan điểm, phương án bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng vì việc Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng xuất phát từ sự tín nhiệm, ủy thác tự nguyện của khách hàng.. Do đó, có thể khẳng định bản chất mối quan hệ giữa luật sư với các cơ quan và người tiến hành tố tụng thực chất là mối quan hệ có tính phản biện, tác động hổ tương lẫn nhau vì nói cho cùng sự độc lập của Luật sư khi hành nghề sẽ góp phần tạo nên nguồn gốc của phép ứng xử tôn trọng lẫn nhau giữa Luật sư, khách hàng và các cơ quan, người tiến hành tố tụng.

Để giữ được tinh thần độc lập khi hành nghề không phải là một điều dễ dàng vì trên thực tế Luật sư có thể bắt gặp những rào cản hữu hình lẫn vô hình khi tiếp cận với yêu cầu của khách hàng cũng như đối với một số người tiến hành tố tụng dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong vài trường hợp Luật sư cần biết quên và hy sinh đi cái lợi ích của mình nhằm bảo đảm được một nền pháp chế dân chủ, công bằng phù hợp với quy định hiện hành. Hơn ai hết, chính Luật sư là người phải chấp nhận mọi rủi ro khi xem trọng tinh thần độc lập trong quá trình hành nghề. Giữ được tinh thần độc lập chính là giữ lại cái tinh túy của nghề và người Luật sư để trước hết giữ được lòng tự trọng của chính mình và sau nữa để được xã hội tôn vinh và trân trọng. Tôi nghĩ con đường mà bất cứ Luật sư nào đi cũng là con đường sỏi đá, không bao giờ được trải hoa nếu Luật sư đứng và đi bằng đôi chân độc lập. Biết vậy nhưng Luật sư vẫn phải đi. Trong không khí đượm tình thân ái nhưng tôn trọng và tôn kính lẫn nhau; tôi đã cố gắng đem tâm huyết giải bày và được xem như tâm sự của người đang dần rủ bỏ hoạt động chuyên môn của Luật sư dù rằng với tôi đến thời điểm này tôi vẫn còn niềm đam mê cháy bỏng như những ngày còn trẻ đối với ngành luật vì nghề luật là máu thịt, là người tình mà tôi phải lòng, là nghiệp mà tôi phải trả như con gái đầu lòng của tôi đã nói.

Luật sư Tôn Thất Quỳnh Bằng - Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế

Chia sẻ bài viết lên facebook 57,520

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079