Gian nan kiện thép ngoại

08/01/2016 14:18 PM

Đây là lần thứ hai doanh nghiệp ngành thép yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với hàng nhập khai gian, hưởng thuế suất thấp khiến ngành thép trong nước gặp nhiều khó khăn.

Trước đây, doanh nghiệp (DN) trong nước đã kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu nhằm bảo vệ sản phẩm trong nước trước áp lực của hàng ngoại. Lần này, DN trong nước đã thắng kiện.

Kéo dài và tốn kém

Ngày 6-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Phạm Châu Giang, Trưởng Phòng Điều tra phòng vệ thương mại Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, cho biết đang tiến hành các bước tiếp theo trong vụ 4 công ty thép trong nước yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu.

thép ngoại bán phá giá

Thép sản xuất trong nước đang bị thép nhập khẩu lấn lướt trên thị trường Ảnh: TẤN THẠNH

Theo bà Phạm Châu Giang, sau khi có quyết định điều tra, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ thu thập thông tin, số liệu từ các bên liên quan. Từ đó mới tập hợp tài liệu để xây dựng báo cáo điều tra. Hiện cả nhà sản xuất trong nước và DN nhập khẩu đều cung cấp thông tin. “Khi DN yêu cầu điều tra chống bán phá giá với hàng nhập khẩu, nghĩa là họ đã thiệt hại. Việc kiện cũng sẽ tốn kém nhiều” - bà Giang nhìn nhận. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ trong thời hạn tối đa 8 tháng đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước và vùng lãnh thổ. Quyết định được đưa ra sau khi nhận đơn yêu cầu từ 4 DN: Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Công ty CP Thép Việt Ý.

Giai đoạn điều tra để xác định thiệt hại từ ngày 1-1-2012 đến 30-9-2015. Hàng hóa thuộc đối tượng điều tra là phôi thép hợp kim hoặc không hợp kim, sản phẩm thép dài gồm thép cuộn và thép thanh được làm từ phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam. Hồ sơ từ Cục Quản lý cạnh tranh cho thấy thị phần sản phẩm phôi thép của 4 công ty nêu trên chiếm 38,6% tổng sản lượng sản xuất trong nước; đối với sản phẩm thép dài, các công ty này chiếm 34,2% tổng sản lượng.

Theo các nguyên đơn, số lượng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam đã gia tăng đột biến trong những năm qua, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của DN trong nước. Với phôi thép, nếu năm 2012 lượng nhập khẩu chỉ hơn 466.800 tấn thì ước tính cả năm 2015 đã trên 1,5 triệu tấn. Lượng thép dài nhập khẩu năm 2012 là hơn 387.470 tấn đã tăng lên 1,2 triệu tấn trong 9 tháng đầu năm 2015.

Điêu đứng vì hàng ngoại khai gian

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, tổng lượng sắt thép nhập khẩu trong năm 2015 lên tới 1,5 triệu tấn nhưng giá chỉ bằng 94,7% so với cùng kỳ năm trước. Trước đó, Tổng cục Hải quan cho biết 11 tháng của năm, lượng sắt thép cả nước nhập về là 13,85 triệu tấn, tăng 33%. Đặc biệt, lượng thép nhập về tăng mạnh nhưng đơn giá bình quân chỉ đạt 490 USD/tấn - mức thấp nhất trong 8 năm qua. Trong đó, sắt thép nhập khẩu nhiều nhất là từ Trung Quốc với 8,44 triệu tấn, tăng đến 58,3% so với cùng kỳ và chiếm tới 61% tổng lượng sắt thép nhập khẩu của cả nước.

Theo các DN, do giá rẻ, lượng nhập khẩu quá lớn nên hàng ngoại đã lấn át thị phần của DN nội địa. Thép ngoại tràn ngập đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của ngành thép trong nước, nhiều dây chuyền sản xuất phôi thép và thép dài ở các nhà máy chỉ hoạt động 50% công suất. Phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại giá rẻ khiến lượng hàng tồn kho của ngành thép có xu hướng gia tăng nhanh trong 3 năm qua, năm 2015 tồn kho tăng đột biến tới 70%-80% so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất - kinh doanh kém khả quan khiến lợi nhuận của các DN sụt giảm mạnh.

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Pomina, cho biết năm 2015, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm sắt thép trên cả nước tăng khoảng 20% nhờ thị trường bất động sản hồi phục nhưng thị phần tăng trưởng này lại rơi vào hàng ngoại nhập, nhất là thép Trung Quốc. “Hàng nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc, có nguy cơ bóp chết ngành thép trong nước” - ông Thái nhận định.

Trên thực tế, nếu phôi thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam được kê khai đúng và chịu thuế suất 9% thì không quá lo ngại, DN trong nước vẫn có thể cạnh tranh được. Tuy nhiên, ngay cả phôi thép nhập khẩu, một số DN cũng cố tình gian là thép hợp kim có chất crom để hưởng thuế nhập khẩu 0%, cạnh tranh không sòng phẳng với DN trong nước. Trước khi 4 DN ngành thép quyết định gửi đơn yêu cầu điều tra chống bán phá giá phôi thép và thép dài nhập khẩu, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng đã có công văn khẩn cấp phản ánh về tình trạng phôi thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh và một số DN cố tình gian lận, khai sai mã nhập khẩu để hưởng thuế suất thấp.

“Nếu tình trạng này kéo dài, các DN sản xuất phôi thép và thép cán khó có khả năng đứng vững, nhất là trong bối cảnh mỗi năm, Trung Quốc xuất khẩu hơn 100 triệu tấn thép do nhu cầu nội địa của họ suy giảm” - đại diện VSA lo ngại.

Kiện để đòi công bằng thương mại

Việc các DN ngành thép kiện chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu vào Việt Nam là một trong những vụ việc hiếm hoi nhằm phòng vệ thương mại của DN khi hội nhập. Trong khi đó, ở nhiều nước, hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang tiếp tục bị kiện bán phá giá.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp là một phần của thương mại quốc tế mà DN không tránh được. Ngay cả Việt Nam, nếu hàng ngoại nhập có biểu hiện bán phá giá, DN trong nước cũng có quyền khởi kiện. “Cần nhìn nhận đây là một trong những biện pháp lập lại công bằng thương mại, chứ không hẳn là hàng rào bảo hộ” - ông Khánh nhận định.

THÁI PHƯƠNG

Theo Người lao động

Chia sẻ bài viết lên facebook 5,564

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079