Bản án sơ thẩm nêu theo đơn khởi kiện nộp tòa vào tháng 6.2014, VNPT trình bày, ngày 1.7.2013, bà Ngân có ký hợp đồng cung cấp và sử dụng dịch vụ bưu chính viễn thông với một chi nhánh của Viễn thông TP.HCM (thuộc VNPT).
Theo hợp đồng, Viễn thông TP.HCM cung cấp cho bà Ngân sim điện thoại thuê bao trả sau số 0918...524. Ngoài việc gọi trong nước, bà Ngân còn được sử dụng sim này để gọi chuyển vùng quốc tế không bị giới hạn bởi vị trí của máy gọi, vị trí máy nhận cuộc gọi, loại máy.
Bà Ngân ký quỹ 5 triệu đồng, khi nào không sử dụng dịch vụ này nữa thì sẽ được nhận lại tiền ký quỹ.
Nhưng khi vừa hòa mạng thì thuê bao của bà Ngân phát sinh cước cao bất thường, từ ngày 1 - 6.7.2013, bà Ngân đã gọi và sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế làm phát sinh tiền cước gần 1,1 tỉ đồng.
Từ đó, Viễn thông TP.HCM thông báo cho bà Ngân biết sự việc và yêu cầu bà được thanh toán cước phí gần 1,1 tỉ đồng. Do bà Ngân không đồng ý nên VNPT khởi kiện đòi tiền.
Không giải thích rõ hợp đồng, phải chịu hậu quả
Trước đó, TAND Q.11 (TP.HCM) xử sơ thẩm và bác đơn khởi kiện của VNPT.
Theo HĐXX cấp sơ thẩm, VNPT được xác định là bên mạnh thế vì VNPT đương nhiên là bên có hiểu biết hơn so với bà Ngân về những vấn đề liên quan đến việc ký kết và sử dụng dịch vụ viễn thông; đồng thời là bên soạn thảo hợp đồng, vì vậy phải giải thích hợp đồng theo hướng có lợi cho bà Ngân (theo quy định của bộ luật Dân sự 2005 - PV) và nguyên đơn phải chịu sự bất lợi.
Ngoài ra, VNPT giải thích trong gần 1,1 tỉ đồng thì có gần 1 tỉ đồng là cước chuyển cuộc gọi, không phải cước gọi quốc tế nhưng VNPT không cung cấp được các số máy đã gọi cho thuê bao 0918...524 để thực hiện dịch vụ chuyển cuộc gọi.
Theo đó, toà sơ thẩm nhận định phải hiểu hợp đồng giữa các bên rằng, khi tiền cước phí sử dụng dịch vụ roaming vượt quá 5 triệu đồng thì Viễn thông TP.HCM phải chặn cuộc gọi. Do Viễn thông TP.HCM không chặn là lỗi thuộc về nguyên đơn nên phải chịu hậu quả; phía bà Ngân chỉ phải chịu tiền cước phí trong giới hạn đã ký kết.
Phan Thương