"Trung Quốc vi phạm công ước LHQ về Luật Biển"

29/06/2012 09:06 AM

Luật gia Nguyễn Chương Thanh có bài viết phân tích những sai trái toàn diện của hành động này soi chiếu trong các văn bản pháp luật quốc tế về biển và những thoả thuận liên quan mà Trung Quốc có tham gia. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Điểm gần nhất trong các khu vực Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mời thầu cách đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) chỉ có 30 hải lý. Tổng diện tích vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bị xâm phạm là hơn 160.000 km2. Hành động đó đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Hành động đó cũng đã vi phạm những cam kết quốc tế của Trung Quốc với tư cách là một thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982, một bên ký Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông, cũng như những cam kết trong quan hệ song phương giữa hai nước Việt – Trung.

Vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982

Điểm gần nhất trong các khu vực Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc mời thầu cách đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) chỉ có 30 hải lý. Tổng diện tích vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bị xâm phạm là hơn 160.000 km2.

Theo quy định của các Điều 56 và 57 Công ước Luật Biển năm 1982, quốc gia ven biển có vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để đo chiều rộng lãnh hải nước mình.

Trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý mọi tài nguyên thiên nhiên, cũng như đối với các hoạt động khác ở đó.

Điều 76 của Công ước Luật Biển năm 1982 quy định rõ, quốc gia ven biển có thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý và có quyền mở rộng thềm lục địa của mình đến 350 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải hoặc không quá 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500 mét (đường nối các điểm có độ sâu 2.500 mét ở biển) theo đúng trình tự mà Công ước đã quy định.

Quốc gia ven biển có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa của mình. Điều 77 của Công ước Luật Biển năm 1982 nêu rõ, các quyền này mang tính đặc quyền, nghĩa là nếu quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ của quốc gia ven biển đó. Chỉ có nước ven biển mới có quyền thăm dò, khai thác tài nguyên ở thềm lục địa của mình.

Phù hợp với các quy định đó của Công ước, Việt Nam có vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý và thềm lục địa rộng tối thiểu 200 hải lý ở Biển Đông.

Nước ta cũng đã nộp hai Báo cáo quốc gia lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc về ranh giới thềm lục địa của Việt Nam ngoài 200 hải lý.

Thực hiện quyền chủ quyền của mình theo đúng Công ước Luật Biển năm 1982, Nhà nước ta đã và đang tiếp tục triển khai các hoạt động thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.

Trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam, Nhà nước ta đã phân lô dầu khí và đang thực hiện nhiều hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí. Ở nhiều khu vực, Nhà nước ta đã cho phép các công ty nước ngoài đầu tư để thăm dò khai thác dầu khí theo Luật khuyến khích và bảo hộ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Phạm vi khu vực mà Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc kêu gọi mời thầu quốc tế chính là các lô dầu khí 128, 129, 130, 131, 132, 145, 146, 147, 148, 149, 150, 151, 152, 153, 154, 155 và một phần những khu vực khác ở gần bờ biển một loạt các tỉnh như Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Định, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre.

Trung Quốc tham gia Công ước Luật Biển năm 1982 từ ngày 7-6-1996. Từ thời điểm đó, Trung Quốc có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của Công ước này.

Bằng việc mời những công ty nước ngoài tham gia đấu thầu ở các lô dầu khí trong thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc không những xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền biển, đảo của Việt Nam mà còn vi phạm nghĩa vụ của Trung Quốc với tư cách là một thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982.

Vi phạm Tuyên bố năm 2002 về ứng xử của các bên ở Biển Đông

Hành động của phía Trung Quốc trái với phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (thường được gọi tắt là Tuyên bố DOC năm 2002).

Theo Tuyên bố đó, Trung Quốc và ASEAN khẳng định lại cam kết của mình tôn trọng mục tiêu và những nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Luật Biển năm 1982, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của pháp luật quốc tế.

Khi đi vào những vấn đề cụ thể, Trung Quốc và ASEAN cam kết không tiến hành những hoạt động làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng tới hoà bình và ổn định ở Biển Đông.

Với việc ký Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông, Trung Quốc có nghĩa vụ tuân thủ những cam kết nêu trên.

Trong các Hội nghị cấp cao giữa ASEAN và Trung Quốc và những Hội nghị khác, đại diện Trung Quốc ở các cấp đều khẳng định tuân thủ Tuyên bố DOC năm 2002. Tuyên bố chung của các nguyên thủ và Thủ tướng các nước ASEAN và Trung Quốc về đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc thông qua tại Ba-li (In-đô-nê-xi-a) ngày 8-10-2003 đã coi việc thực hiện DOC là một biện pháp trong hợp tác an ninh giữa ASEAN và Trung Quốc.

Với việc mời các công ty nước ngoài đấu thầu những lô dầu khí trong thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã đi ngược lại những cam kết của mình theo Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông, đặc biệt là cam kết không có hành động làm cho tình hình phức tạp thêm.

Vi phạm các thoả thuận song phương Việt Nam - Trung Quốc

Trong những năm qua, với nỗ lực của cả hai bên, quan hệ hợp tác và hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc đang được tăng cường trên các lĩnh vực.

Cuối tháng 11-2011, nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hai bên ra Tuyên bố chung khẳng định tiếp tục kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” để trân trọng, giữ gìn phát triển tốt quan hệ hai Đảng, hai nước Việt - Trung, thúc đẩy quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển một cách ổn định, lành mạnh, lâu dài.

Tuyên bố chung nêu rõ, trước khi tranh chấp được giải quyết dứt điểm, hai bên cùng gìn giữ hòa bình, ổn định trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp hóa, mở rộng tranh chấp, đồng thời hai bên nỗ lực thực hiện Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc.

Trong Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước ký ngày 11-10-2011, hai bên cam kết “nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc và tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”.

Hành động nói trên của Trung Quốc đã đi ngược lại những cam kết trong Tuyên bố chung và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước.

Việc phía Trung Quốc mời thầu quốc tế tại các khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam thực chất là để thực hiện hai ý đồ:

Thứ nhất, biến các vùng biển của Việt Nam mà theo pháp luật quốc tế, hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp, thành vùng biển tranh chấp.

Thứ hai, mở rộng tranh chấp trên biển giữa hai nước. Việc làm đó nằm trong một loạt hoạt động gần đây của Trung Quốc để thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và làm cho tình hình Biển Đông trở nên phức tạp hơn và căng thẳng hơn.

Trước hành động phi pháp này của phía Trung Quốc, đại diện Bộ Ngoại giao nước ta đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phát biểu và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã họp báo quốc tế phản đối việc Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

Chúng ta cực lực phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu sai trái nói trên, không có hành động làm phức tạp tình hình ở Biển Đông và mở rộng tranh chấp, nghiêm túc tuân thủ Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, sẵn sàng cùng Trung Quốc thúc đẩy mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng mời các công ty nước ngoài, trong đó có các công ty dầu khí Trung Quốc, tham gia hợp tác cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Luật gia Nguyễn Chương Thanh

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,048

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079