Phí lưu kho 'ăn đứt' xe Audi

23/04/2014 10:16 AM

Do thủ tục thông quan kéo dài quá lâu mà chủ nhân một chiếc xe hơi nhập khẩu phải tốn phí lưu kho cao hơn giá trị chiếc xe.


Chiếc xe Audi S3 của ông Tiến tại kho hàng của TCS - Ảnh: N.N

Đó là trường hợp của ông Nguyễn Vĩnh Tiến, Việt kiều Pháp. Năm 2012, vợ chồng ông Tiến chính thức hồi hương và nhập quốc tịch VN. Tháng 5.2013, ông Tiến xin nhập khẩu một xe Audi S3 (sản xuất năm 2008), mà ông mua dùng ở Pháp từ năm 2011, về VN để tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, ngày 30.5.2013 ông Tiến được thư báo nhận hàng của Công ty dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) thì phải chờ đến 31.3.2014 mới hoàn tất được thủ tục thông quan. Thời gian lưu kho lên tới 10 tháng bị tính phí 820 triệu đồng, cao hơn giá trị chiếc xe Audi S3 cũ nếu mua tại VN.

“Nằm mơ cũng không dám tin”

Một chiếc xe hơi, chủ nhân chứng minh rõ ràng thân nhân, nguồn tài sản, tình trạng gia đình... đều minh bạch mà anh mất đến 10 tháng để điều tra mới ra kết quả, thì cần xem lại hiệu quả làm việc của nhân viên các cơ quan này

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, doanh nhân Việt kiều Mỹ

Theo quy định tại TCS, hàng hóa lưu kho được tính 2.000 đồng/kg. Chiếc xe Audi S3 nặng 1.455 kg, nhân với 2.000 đồng/kg/ngày lưu kho, ông Tiến phải trả khoảng 2.910.000 đồng/ngày. Sau khi nghe thông báo con số này, ngày 4.6.2013, ông Tiến đã làm đơn xin Cục Hải quan TP.HCM cho phép di lý và làm thủ tục nhập khẩu xe về Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn (CSG) khu vực 4 - ICD Phước Long trong khi chờ cấp phép thông quan do phí lưu kho tại CSG thấp hơn nhiều, khoảng 200.000 đồng/ngày.

Đơn của ông Tiến được gửi đến 3 cơ quan là Cục Hải quan TP.HCM, Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Chi cục Hải quan CSG KV4 nhưng sau 10 tháng tính tới nay, ông Tiến không nhận được bất kỳ hồi âm nào. Trả lời Thanh Niên, ông Tiến cho biết rất nhiều lần ông đến trực tiếp tại TCS và Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để hỏi thông tin nhưng đều được nhân viên tại đó trả lời bằng miệng là “về nhà chờ và hàng về cảng nào, để yên ở cảng đó, không được di lý đi đâu cả”.

Sau khi nhận được giấy phép thông quan và thông báo số tiền lưu kho lên đến 820 triệu đồng, ngày 3.4.2014 ông Tiến tiếp tục làm đơn xin TCS cứu xét. Ngày 17.4, TCS đã trả về cho ông Tiến đơn xin giải trình và cứu xét, phía sau có bút phê, có chữ ký, nhưng không ghi tên người phê: “Tài chính kiểm tra số tiền lô hàng. Báo cáo gấp. Giảm 10% cho khách”. Theo ông Tiến, mức giảm này cũng quá khó cho ông vì không có đủ tiền để đóng. Ông đang tính tới phương án bỏ luôn chiếc xe vì không còn cách nào khác.

"Điều kiện thông quan hết sức khó khăn vì phải chờ Cục Hải quan TP.HCM cứu xét và điều tra chống buôn lậu xác minh mất 10 tháng. Số tiền này ngoài khả năng chi trả của tôi, một Việt kiều hồi hương và đã nghỉ hưu”, ông Tiến nói. Theo ông, trường hợp này là xe chính chủ tại Pháp, gửi về VN cũng chính chủ, có đầy đủ hồ sơ pháp lý rõ ràng nhưng mất đến 10 tháng mới có kết quả xác minh và cho thông quan là quá vô lý. “Ở Pháp tôi làm dịch vụ giặt ủi, tôi là công dân “sạch” của Pháp, làm ăn lương thiện, chưa từng có vi phạm nào ở nước ngoài cũng như tại quê hương. Tôi và vợ về nước sống từ chính sách khuyến khích Việt kiều hồi hương của Chính phủ. Vậy mà phải trải qua gần một năm mới xác minh được, có nằm mơ tôi cũng không dám tin”, ông Tiến bức xúc.

Không thể chấp nhận!

Nhận xét về trường hợp này, ông Nguyễn Văn Vĩnh, doanh nhân Việt kiều Mỹ, cho rằng có tình trạng đang mua suất Việt kiều hồi hương để nhập xe trốn thuế. Thế nhưng, chỉ vì những “con sâu” này mà gây khó dễ cho tất cả những Việt kiều nhập xe có nhu cầu thực sự là một điều bất công.

“Tôi đã mất hơn nửa năm để lấy xe ra khỏi Cảng Sài Gòn. Tôi nghĩ bộ phận hải quan cần linh động, chuyên nghiệp hơn trong công tác điều tra để những Việt kiều có nhu cầu thực sự, làm đúng pháp luật, sớm nhận xe hơn. Hoặc cũng nên có quy định về thời gian thế nào đó, để người chờ đỡ sốt ruột”, ông Vĩnh nói.

Còn tiến sĩ Nguyễn Đức Thái, Việt kiều Mỹ, chuyên gia tại Khu công nghệ cao (Q.9, TP.HCM) thậm chí đã bỏ ý định mang xe về vì quá nhiều thủ tục mà thời gian của ông không có để đáp ứng.

Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành xác định đây là vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. “Một chiếc xe hơi, chủ nhân chứng minh rõ ràng thân nhân, nguồn tài sản, tình trạng gia đình... đều minh bạch mà anh mất đến 10 tháng để điều tra mới ra kết quả, thì cần xem lại hiệu quả làm việc của nhân viên các cơ quan này”, ông Thành nói.

Bàn về giải pháp, ông Thành cho rằng nên có chế tài, bởi công nghệ làm việc hiện nay đã rất hiện đại, trao đổi thông tin qua email quá dễ. “Xe Việt kiều nhập về, nên đưa ra mức thời gian điều tra 1 - 2 tháng sẽ được thông quan. Nếu không, phải có giải trình rõ ràng từ phía hải quan. Không thể để thái độ làm việc quan liêu như vậy kéo dài, ảnh hưởng đến hình ảnh của hải quan VN”, ông Thành bày tỏ.

Nguyên Nga - Đình Mười

Theo Thanh Niên

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,686

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079