Công an được khám xét nhà trong những trường hợp nào?

08/11/2016 08:58 AM

Theo luật sư, không phải bất cứ lúc nào lực lượng thực thi pháp luật cũng có thể tiến hành khám xét nơi ở của người khác. Chỉ trong những trường hợp được pháp luật quy định cụ thể thì cơ quan chức năng mới được khám xét nhà ở của công dân.

Hiến pháp quy định rất rõ về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân. Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này của báo Dân trí, luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên Thư Viện Pháp Luật, sẽ tư vấn rõ hơn về quyền này và các trường hợp mà lực lượng thực thi pháp luật có quyền khám xét nơi ở.

Khi nào công an được quyền khám xét nhà ở?

Hiện nhiều bạn đọc quan tâm đến việc khi nào thì công an được quyền khám xét nhà. Xin luật sư giải đáp thắc mắc này cho bạn đọc được rõ?

Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở được Hiến pháp quy định. Đó là, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

Theo Điều 8 của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 thì không ai được xâm phạm chỗ ở và việc khám xét chỗ ở phải theo đúng quy định của BLTTHS.

Theo Điều 140 BLTTHS về căn cứ khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm thì việc khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.

Việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã.

Về thẩm quyền ra lệnh khám xét thì:

- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp;

- Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp;

- Hội đồng xét xử;

- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trong trường hợp này, lệnh khám xét phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.

Như vậy, chỉ thuộc những trường hợp trên thì cơ quan tiến hành tố tụng mới có quyền khám xét chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của công dân.

Theo luật sư, Hiến pháp quy định rất rõ về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, nếu khám nhà trái phép có thể bị phạt tù

Vậy còn trong trường hợp xử lý vi phạm hành chính thì quy định như thế nào thưa ông?

Theo khoản 6 Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp sau đây theo thủ tục hành chính: Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Theo Điều 129 Luật Xử lý vi phạm hành chính về khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định cụ thể như sau:

- Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được tiến hành khi có căn cứ cho rằng ở nơi đó có cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

- Những người được quy định tại khoản 1 Điều 123 của Luật XLVPHC (như Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an phường; Trưởng Công an cấp huyện;…) có quyền quyết định khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là chỗ ở thì đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định.

- Không được khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp hoặc việc khám đang được thực hiện mà chưa kết thúc nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.

- Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản. Quyết định và biên bản khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải được giao cho người chủ nơi bị khám 01 bản.

Nếu khám xét trái pháp luật thì sẽ bị xử lý như thế nào thưa luật sư?

Theo Điều 124 Bộ luật Hình sư năm 1999 về Tội xâm phạm chỗ ở của công dân thì người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm…

Còn theo điểm a khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội xâm phạm chỗ ở của người khác thì người nào “khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác” thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm; hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm…

Xin cảm ơn Thư Viện Pháp Luật và luật sư Nguyễn Đức Chánh đã hỗ trợ thực hiện chương trình này!

Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Thiên Thanh (thực hiện)

Theo Dân Trí

Chia sẻ bài viết lên facebook 13,272

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079