Nghệ thuật sử dụng trưng cầu dân ý: Nhìn từ Diên Hồng và Hiến pháp 1946

09/05/2015 08:09 AM

Điểm lại lịch sử Việt Nam, trưng cầu dân ý không chỉ là một quyền của người dân, mà còn là một nghệ thuật chính trị của người cầm quyền.

Ảnh: Minh Khuê

Chức năng chính trị của Hội nghị Diên Hồng

Hội nghị Diên Hồng là hội nghị năm 1284 do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các phụ lão trong cả nước để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ 2.

Hội nghị Diên Hồng được xem như hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Các phụ lão có thể coi là những đại biểu của dân. Hội nghị tuy chỉ mang tính chất tham vấn, các bô lão không phải là người đưa ra tiếng nói quyết định vấn đề nhưng bên cạnh biểu hiện về tính dân chủ, nó còn thể hiện một nghệ thuật chính trị mà các lãnh đạo hậu thế có thể tham khảo trong quá trình cầm quyền.

Thứ nhất, hội nghị này sẽ có tác dụng thăm dò, đo lường mức độ căm phẫn của nhân dân đối với kẻ thù, mức độ nhân dân ủng hộ chính quyền, từ đó đánh giá được nội lực trước khi vạch ra chiến lược chiến tranh.

Thứ hai, hội nghị này là một động thái thể hiện sự tôn trọng của triều đình đối với các bô lão - vốn được hưởng cái gọi là “lão quyền” trong xã hội Việt Nam cổ truyền. Hội nghị này có tác dụng đoàn kết các sắc dân, củng cố mối quan hệ nhân dân - chính quyền. Mặc dầu địa vị người dân lúc đó rất thấp nhưng tài lực cho cuộc chiến thì nhà vua vẫn phải dựa vào họ.

Thứ ba, hội nghị này sẽ làm cho hoạt động của chính quyền trở nên minh bạch hơn, tạo niềm tin cao hơn cho người dân; gầy dựng sự chính danh cho chính quyền khi quyết định cuộc chiến. Nếu giữa chừng của cuộc chiến có điều gì bất lợi, thì hội nghị này ngay từ đầu đã loại bỏ sự đổ lỗi từ phía xã hội cho chính quyền.

Bối cảnh chính trị ở thế kỷ 21, trong điều kiện hòa bình, hạ tầng kết nối thông tin thuận lợi, không có lý do gì để tiếp tục trì hoãn trưng cầu dân ý.

Thứ tư, chính quyền đã biết sử dụng bô lão là tầng lớp có ảnh hưởng lớn nhất trong xã hội làm chiếc loa phóng thanh phổ biến đường lối của tầng lớp cầm quyền. Các bô lão khi “đã thông tư tưởng” thì trở thành những tuyên truyền viên tự nguyện cho nhà nước, góp phần tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội.

Như vậy, trưng cầu dân ý với tư cách là quyền của người dân thì chưa hề xuất hiện trong lịch sử Việt Nam, nhưng bốn chức năng chính trị nêu trên của trưng cầu dân ý đã được vua Trần khéo léo sử dụng từ thế kỷ 13.

Bên cạnh góc độ quyền của người dân - một thiết chế bảo đảm dân chủ, thì đứng về phía những người cầm quyền, trưng cầu dân ý rất có lợi cho Đảng và Nhà nước, sẽ là công cụ để nắm lòng dân, củng cố sự cầm quyền.

Đến chủ thể lập hiến của người dân trong Hiến pháp 1946

Hơn 700 năm sau hội nghị Diên Hồng, một sự kiện liên quan đến trưng cầu dân ý thường được nhắc tới trong lịch sử Việt Nam là Hiến pháp 1946.

Lần đầu tiên, người dân Việt Nam được chuyển từ địa vị thần dân sang địa vị công dân, từ địa vị tham vấn sang địa vị chủ thể của quyền lập hiến, chủ thể có quyền quyết định những việc “quan hệ vận mệnh quốc gia” trong lời văn của bản hiến pháp này.

Điều 21 Hiến pháp 1946 quy định như sau: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo điều thứ 32 và 70”.

Điều 70, điểm c quy định, dự thảo sửa đổi Hiến pháp sau khi được Nghị viện ưng chuẩn thì phải “đưa ra toàn dân phúc quyết”.

Do hoàn cảnh chiến tranh, nên Hiến pháp 1946 không được thực thi đầy đủ. Nhưng Hiến pháp 1946 đã trở thành một quy tắc thực tế cho việc tổ chức và vận hành quyền lực nhà nước ở Việt Nam trong giai đoạn 1946-1953(1). Quyền trưng cầu dân ý trong lời văn Hiến pháp 1946 chưa có cơ hội bước ra khỏi những trang giấy nhưng từ các quy định liên quan đến trưng cầu dân ý trong Hiến pháp 1946, chúng ta có thể rút ra một số kết luận:

Thứ nhất, trưng cầu dân ý không phải là thứ xa lạ, thù nghịch với chính quyền cách mạng. Mà trái lại, Hiến pháp 1946 đã rất sớm đánh giá đúng tầm quan trọng của dân chủ trực tiếp, đã hết sức chú trọng sử dụng trưng cầu dân ý hay phúc quyết toàn dân làm công cụ đoàn kết dân tộc, tìm sự đồng thuận xã hội, đặc biệt trong bối cảnh chống lại kẻ thù từ bên ngoài biên giới.

Thứ hai, các vấn đề lý luận của trưng cầu dân ý (vấn đề gì phải đưa ra trưng cầu, tiêu chí nào, ai là chủ thể tham gia trưng cầu dân ý, giá trị tối thượng của trưng cầu dân ý) đã được Hiến pháp 1946 trả lời rất rõ ràng. Và có thể nói, đây là một bộ phận quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thứ ba, dân trí không phải là lý do thực sự cho việc tiếp tục từ chối trưng cầu dân ý, bởi trình độ dân trí Việt Nam trải qua gần 70 năm, từ 1946 tới nay được đánh giá là đi lên, chứ không phải là đi xuống. Không có lý do gì để nghi nghờ năng lực phúc quyết toàn dân của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 21.

Thứ tư, từ bối cảnh chính trị khó khăn của năm 1946 cho thấy, bối cảnh chính trị càng khó khăn, càng cần có sự đồng thuận, càng phải minh bạch, càng phải tạo niềm tin cho dân. Nếu lòng dân đã thuận thì “khó vạn lần, dân liệu cũng xong” (Hồ Chí Minh).

Trong trưng cầu dân ý, cái mà người cầm quyền trên thế giới có thể e sợ chính là sợ chính người dân, là lòng dân, chứ không phải là sợ kẻ thù từ bên ngoài biên giới. Bởi kết quả trưng cầu dân ý theo chiều hướng nào thì nó đều là biểu hiện sự nhất trí, đoàn kết của toàn dân theo chiều hướng đó.

(1) Mặc dù đến năm 1959, miền Bắc mới thông qua bản hiến pháp mới, nhưng các quy tắc hiến tính thì đã được xác lập từ trước. Từ Cải cách ruộng đất 1953, trật tự xã hội và quyền lực nhà nước ở miền Bắc đã thay đổi căn bản, không còn đi theo Hiến pháp 1946 nữa.

Võ Trí Hảo

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,640

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079