Những lưu ý khi thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam?

02/07/2015 08:59 AM

Khi thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý một số điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định cho phép thành lập và giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư 100% vốn hoặc liên doanh với nhà đầu tư trong nước để thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam. Để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài cần lưu ý một số điều kiện như sau:

- Dự án đầu tư phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

- Có đề án tiền khả thi thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

- Đáp ứng điều kiện về đất đai: được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao đất hoặc cho thuê đất để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đối với dự án đăng ký hoạt động từ 20 năm trở lên tại Việt Nam; hoặc có hợp đồng/thỏa thuận thuê trường, lớp, nhà xưởng, các diện tích phụ phù hợp và ổn định trong thời gian ít nhất là 5 năm đối với dự án đăng ký hoạt động dưới 20 năm;

- Có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư theo mức quy định về vốn đầu tư.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư lưu ý một số điều kiện quan trọng phải có trong đề án thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:

- Phải có suất đầu tư ít nhất là 60 triệu đồng/người học đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp và ít nhất 100 triệu đồng/người học đối với trường trung cấp, cao đẳng (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% mức quy định trên;

- Diện tích đất xây dựng đạt bình quân ít nhất là 25 m2/người học đối với trường trung cấp, trường cao đẳng và 4 m2/người học đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp;

- Đối với người học là công dân Việt Nam, pháp luật quy định các môn học bắt buộc đối với đối tượng này trong chương trình đào tạo của nước ngoài của cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

- Nhà giáo là người nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực giảng dạy và có trình độ ngoại ngữ không thấp hơn trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam về năng lực ngoại ngữ hoặc tương đương;

- Ngôn ngữ sử dụng để giảng dạy, học tập các môn chuyên ngành để cấp bằng của nước ngoài là ngoại ngữ, không giảng dạy bằng tiếng Việt hoặc thông qua phiên dịch;

- Tỷ lệ nhà giáo có trình độ sau đại học không ít hơn 15% tổng số nhà giáo của trường trung cấp, trường cao đằng;

- Phải có đủ số lượng nhà giáo cơ hữu để đảm nhận ít nhất 60% khối lượng chương trình của mỗi chuyên ngành, nghề đào tạo.

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chỉ được đi vào hoạt động sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương quy định cụ thể điều kiện, thẩm quyền, thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là không quá 50 năm tính từ ngày cho phép thành lập. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn, nhưng không quá 70 năm.

CÔNG TY LUẬT PLF

Theo Tạp Chí Tài Chính

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,686

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079