Tháng 6/2014, bà Luyến nghỉ sinh con. Tháng 9/2014 Công ty đơn phương cho bà Luyến nghỉ việc mà không nêu lý do.
Khi sinh con, mặc dù Cơ quan BHXH đã đóng dấu trên sổ BHXH của bà Luyến là đã chi trả tiền trợ cấp sinh con, nhưng Công ty vẫn không thanh toán và cho biết do Công ty còn nợ tiền BHXH, nên BHXH chưa thanh toán.
Bà Luyến hỏi, bà phải gì để nhận được tiền trợ cấp thai sản và cơ quan, tổ chức nào bảo vệ quyền lợi cho bà?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời bà Lê Thị Luyến như sau:
Theo quy định tại khoản 1, Điều 18 Luật BHXH năm 2006, thì hàng tháng người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH phần trách nhiệm đóng của mình và trích từ tiền lương, tiền công của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH.
Trường hợp Công ty vẫn trích đóng tiền BHXH từ tiền lương của người lao động nhưng không đóng cho cơ quan BHXH là vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 14, Điều 134 Luật BHXH, gây khó khăn trong việc thực hiện chi trả các chế độ BHXH, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động tham gia BHXH.
Giải quyết vướng mắc trong thực hiện chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động do người sử dụng lao động nợ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn số 1741/LĐTBXH-BHXH ngày 27/5/2014 gửi BHXH Việt Nam trao đổi ý kiến tháo gỡ như sau: Theo quy định của Luật BHXH thì người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động, sau đó người sử dụng lao động thực hiện quyết toán với tổ chức BHXH (quyết toán hàng quý hoặc sớm hơn đối với số trường hợp số tiền chi trả chế độ cho người lao động vượt nhiều so với số tiền được giữ lại trong quý). Đối với các đơn vị chưa được quyết toán do đơn vị còn nợ tiền đóng BHXH, nay đơn vị đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH thì tổ chức BHXH thực hiện quyết toán chi trả chế độ ốm đau, thai sản theo quy định.
Theo thông tin bà Lê Thị Luyến phản ánh, Công ty đã lập hồ sơ tham gia BHXH và trích từ tiền lương của bà để đóng BHXH bắt buộc từ tháng 9/2011 cho đến tháng 6/2014 thì bà nghỉ sinh con. Căn cứ khoản 2 Điều 28 Luật BHXH, trường hợp của bà Luyến đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản. Nhưng do Công ty nợ tiền BHXH, cho nên đến nay bà vẫn chưa nhận được trợ cấp thai sản.
Bà Luyến cho biết, trên sổ BHXH của bà có đóng dấu “đã chi trả tiền trợ cấp sinh con”, nhưng Công ty không trả trợ cấp cho bà. Theo quy định thì Công ty phải có trách nhiệm kịp thời giải quyết chế độ thai sản trong số tiền đóng BHXH được giữ lại nêu tại điểm a, khoản 1, Điều 92 Luật BHXH, sau đó quyết toán với tổ chức BHXH. Từ thông tin bà Luyến cung cấp, có căn cứ nhận định, tổ chức BHXH đã thực hiện quyết toán chi trả tiền trợ cấp thai sản, nhưng Công ty chưa trả cho bà Luyến.
Trong thời gian bà Luyến nghỉ sinh con, vào tháng 9/2014, Công ty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bà. Căn cứ khoản 3, khoản 4 Điều 39; khoản 3 Điều 155; Điều 158 Bộ luật Lao động, việc Công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bà Luyến trong thời gian bà đang nghỉ thai sản, đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi là trái pháp luật. Công ty phải nhận bà Luyến trở lại làm việc và có nghĩa vụ đảm bảo việc làm cho bà sau khi nghỉ sinh con.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, bà Luyến cần kiến nghị, hoặc thông qua Công đoàn cơ sở yêu cầu Công ty trả ngay tiền trợ cấp thai sản cho bà, kể cả trong trường hợp Công ty còn nợ tiền BHXH chưa nộp cho tổ chức BHXH. Đồng thời bà có quyền yêu cầu Công ty nhận bà trở lại làm việc.
Trường hợp Công ty cố tình trây ỳ không trả tiền trợ cấp thai sản và không nhận bà Luyến trở lại làm việc thì bà có thể gửi đơn đến Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện Công ty ra Tòa án nhân dân cấp huyện nơi Công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết. Theo khoản 2 Điều 202 Bộ luật Lao động, thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 1 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bà Luyến cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ